Cận cảnh những “núi đất” khổng lồ ở mỏ sắt lớn nhất nước
(Dân trí) - Sau gần một năm liên tục bóc tầng phủ, đến nay đã có hơn 6,6 triệu m3 đất, cát được nhà thầu của Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) bốc lên khỏi mặt đất; tạo nên những “núi đất” khổng lồ.
Mỏ sắt Thạch Khê được xác định có chiều dài gần 3 km, rộng gần 2 km, bề dày hơn 600m, với trữ lượng khai thác công nghiệp khoảng 554 triệu tấn. Mỏ sắt có hình “củ đậu” nằm ven biển huyện Thạch Hà này bị phủ bởi một lớp đất khá dày, nơi nông nhất 25-30m, chỗ sâu nhất 130m.
Để “chạm” được tới quặng sắt là cả một sự thách thức lớn, từ bốc tầng đất phủ đến xử lý hệ thống nước ngầm.
Ngày 8/9/2009, Dự án bóc tầng đất phủ Mỏ sắt Thạch Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh và Công ty CP Sắt Thạch Khê khởi công. Trong gần 1 năm triển khai bốc tầng phủ, hàng loạt khó khăn đã được chủ đầu tư lẫn nhà thầu từng bước khắc phục. Toàn bộ nước mưa và nước ngầm luôn được hệ thống máy bơm hút cạn, tình trạng nước ngầm rò rỉ đã được xử lý; diện tích tầng mỏ được mở rộng ra; hệ thống máy móc hiện đại được đưa vào hoạt động đã giải phóng được rất nhiều sức lao động của con người.
Toàn bộ nước mưa và nước ngầm luôn được hệ thống máy bơm hút cạn.
Để vận chuyển được hàng triệu tấn cát từ mỏ sắt lên bãi thải, các đơn vị thi công đã phải liên tục bảo dưỡng con đường huyết mạch bằng cách tưới nước, chèn đất cứng, là ủi. Cả ngàn chuyến xe vận tải lớn làm việc liên tục 24/24h trong suốt thời gian gần một năm nên đã có hàng triệu m3 đất, cát được bóc khỏi mặt đất. Ông Hồ Đức Bình - Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê - đơn vị chủ đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 7/2010 đã có hơn 6,6 triệu m3 đất, cát được cất bốc, với chỗ sâu nhất là -20m. Với khả năng thi công như hiện nay, Công ty CP sắt Thạch Khê sẽ hoàn thành việc bóc tách 11, 5 triệu m3 và cho khai thác những vỉa quặng đầu tiên vào quý I năm 2011.
Hơn 6,6 triệu m3 đất, cát được bóc tách khỏi mỏ sắt. Chỗ sâu nhất đã đạt độ -20m.
Với hơn 6,6 triệu m3 đất, cát được bóc tách, bãi thải chất chứa nằm ở xã Thạch Hải, cách khai trường mỏ chưa đầy một cây số, đã trở thành những “ngọn núi” nhân tạo khổng lồ. Đứng trên “đỉnh núi” chỗ cao nhất có thể nhận ra cả bãi thải như một sa mạc cát, cao ngút che khuất cả những hàng cây phi lao chắn gió. Bãi thải cũng đang hướng dần ra biển.
Ông Hồ Đức Bình cho hay, một khi việc bóc tách lớp tầng phủ hoàn thành, những dãy núi đất cát nhân tạo này sẽ trở thành “đê” ngăn gió bão và một phần sẽ được dành để xuất khẩu khi Chính phủ cho phép.
Cận cảnh những núi cát khổng lồ ở mỏ sắt lớn nhất nước do PV Dân trí ghi lại:
Những chiếc xe tải trọng lớn nối đuôi "cõng" đất cát lên đỉnh núi
Bãi thải cát đã vươn cao hàng chục mét, từ trên đỉnh nhìn thẳng ra biển, thấy biển thật gần
Những bãi đất bằng phẳng sắp bị san lấp
Và những ngọn núi tự nhiên khổng lồ do con người tạo dựng
Văn Dũng - Bá Hải