Chuyện về người anh hùng “đánh thác” ở Điện Biên

(Dân trí) - Ôm khối bộc phá được gói bằng lá chuối rừng, Phan Tư lặn xuống chân thác. Một tiếng nổ đinh tai vang lên, ngọn thác đổ ụp xuống lòng suối. Trên bờ, tất thảy mọi người đều ngả mũ mặc niệm. Nhưng ở phía xa, Phan Tư trồi lên khỏi dòng nước...

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Tư.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Tư.

Tết năm Giáp Ngọ 1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết. Việc vận tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến sỹ là nhiệm vụ hết sức cần kíp. Thế nhưng đường vận chuyển hết sức khó khăn, hiểm trở khiến việc vận chuyển gặp nhiều trở ngại.

Sông Nậm Na là một trong những tuyến đường vận tải chính phục vụ chiến dịch Điện Biên. Sông có chiều dài 120km nhưng có tới 90 ngọn thác, trong đó có 12 thác lớn, nguy hiểm. Trung đội 5, đại đội 124, tiểu đoàn 555 được giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, tạo điều kiện cho lương thực, thuốc men, đạn dược đến chiến trường một cách thuận lợi và nhanh nhất có thể.

Trung đội trưởng Hoàng Viết Sâm thức mấy đêm ròng vẫn chưa nghĩ ra cách đưa bộc phá xuống chân thác. Nước lớn, chảy xiết, trong khi đó, ngoài thuốc nổ và dây cháy chậm ra thì không có thêm bất cứ một vật gì khác để gói thuốc nổ mà không để nó ngấm nước. Phát động sáng kiến trong toàn trung đội cũng chưa thấy ai đưa ra được phương án khả dĩ.

Khi chưa có kế sách gì để khuất phục dòng thác dữ thì ngày Tết về. Hoa ban, hoa mận nở trắng sườn đồi, mùi xôi nếp tỏa thơm ngào ngạt từ các căn nhà sàn của đồng bào, nỗi nhớ quê, nhớ nhà càng nên da diết hơn. Nghĩ mãi không ra sáng kiến, cái bụng đói cồn cào khiến Phan Tư càng nhớ nhà hơn. Chắc giờ này cha mẹ ở nhà cũng đang gói bánh chưng. Mấy cân nếp mẹ để dành sẽ được đãi sạch, gói vuông vắn trong mấy lớp lá dong, buộc chạc (dây) lạt thật chặt rồi xếp vào nồi… Nghĩ đến đây, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Phan Tư: Sao không gói thuốc nổ trong lá dong! Buộc thật chặt, ngâm xuống suối sẽ không bị ngấm nước.

Vui quá, Phan Tư quên là mới quá nửa đêm, vội chạy đi khoe. Nghe Tư trình bày sáng kiến, cả trung đội hò reo sung sướng, công kênh Tư một vòng. Tờ mờ sáng, cả trung đội chia nhau vào rừng, tốp chặt lá chuối, tốp chặt nứa, vầu làm lạt buộc. Gói bộc phá được gói như bánh chưng, càng nhiều lá thì sức công phá càng lớn.

Gói xong thuốc nổ, đến công đoạn dùi lỗ để nối dây cháy chậm thì nảy sinh sự cố. Lấy gì để “hàn” kín lỗ để nước khỏi ngấm vào khối thuốc? Lấy đất sét! Một đồng chí nêu ý kiến. Nhưng giữa rừng núi, suối toàn cát và đá cuội, lấy đâu ra đất sét mà hàn.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Tư.
Đại đoàn 351 trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng tháng 9/1955, Phan Tư đứng giữa, hàng đầu (người ôm hoa) - Ảnh nhân vật cung cấp.

Đang bực vì chưa tìm ra phương án "hàn" khối bộc phá thì anh em lại buồn vì anh nuôi lỡ nấu cơm nát quá, lại là cơm nếp, rất khó ăn. Cố gắng ăn mấy miếng, trệu trạo nhai, bỗng Phan Tư thốt lên: “Nhào kỹ cơm nếp nát thành hồ để hàn rồi phơi khô sẽ không bị thấm nước”. Sáng kiến được thử nghiệm ngay lập tức và cho kết quả đúng như Tư dự đoán.

Mang khối bộc phá gói bằng lá chuối rừng, nén bằng lạt giang và hàn bằng cơm nếp ra suối thử nghiệm. Mội tiếng nổ vang lên, khối đá vỡ vụn trong tiếng reo hò vui mừng của lính công binh. Kinh nghiệm sản xuất bộc phá bằng lá chuối của Phan Tư được phổ biến khắp trung đội để anh em triển khai phá thác làm đường vận chuyển.

“Đích” đầu tiên là thác Hang - một con thác có tiếng hung dữ trên sông Nậm Na. Đó là một khối đá khổng lồ chắn ngang dòng nước. Phan Tư xung phong lặn xuống xác định vị trí đặt khối bộc phá. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, Phan Tư và 2 chiến sỹ khác được phân công nhiệm vụ đặt khối bộc phá để phá thác Hang.

Vì dây cháy chậm thời kỳ này rất hiếm nên tiêu chí đưa ra là phải triệt để tiết kiệm. Sau khi đo đạc và tính toán kỹ, Phan Tư ôm khối bộc phá lặn xuống. Đồng chí châm lửa và đồng chí cầm sào định hướng được lệnh chạy lên bờ. Phan Tư có 40 giây để hoàn thành việc đặt khối bộc phá và ngoi lên, bơi xa khu vực này.

Nước chảy xiết, mọi tính toán ban đầu đều bị sai lệch. Cầm chắc cái chết trong tay nhưng Phan Tư vẫn bình tĩnh đặt khối nổ đúng vị trí đã được xác định và đạp mạnh chân vào tảng đá để ngoi lên. Một tiếng nổ long trời lở đất. Đất, đá và nước bắn tung tóe lên trời. Dòng thác Hang biến mất!

Trên bờ, không ai bảo ai, mọi người đều bỏ mũ xuống, dành một phút mặc niệm cho người anh hùng đã hy sinh dưới chân thác. Bỗng một người lính phát hiện phía dưới hạ lưu, cách chân thác vài chục thước có bóng người dập dềnh. Thì ra là Phan Tư. Tư không chết mà chỉ bị sức ép của khối bộc phá “bắn” ra xa. Cũng nhờ vì vậy mà thoát chết nhưng bị thương khá nặng.

Bộ đội công binh phá đá mở đường lên Điện Biên (Ảnh tư liệu).
Bộ đội công binh phá đá mở đường lên Điện Biên (Ảnh tư liệu).

Sáng kiến và tấm gương dũng cảm của Phan Tư được phổ biến toàn tiểu đoàn. Chỉ bằng lá chuối rừng, sợi lạt giang, cơm nếp nát, 120km chiều dài sông Nậm Na được thông dòng trong vòng 7 ngày. Thời gian, lực lượng và sức người bỏ ra để thực hiện một chuyến hàng được rút xuống còn 1/3. Đạn dược, thuốc men, lương thực ùn ùn ra chiến trường, giúp bộ đội ăn no đánh thắng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Phan Tư vinh dự là 1 trong 3 người con xứ Nghệ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Sự nghiệp” cầm súng còn gắn bó với Phan Tư cho tận tới ngày ông nghỉ hưu.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông không còn đủ minh mẫn để nhớ hết những gì đã xảy ra từ 60 năm trước. Vậy nhưng, mỗi khi nhắc tới Điện Biên Phủ, những ký ức vẫn hiện về, chắp vá và rời rạc. “Muốn lên thăm Điện Biên Phủ lắm nhưng già rồi, chẳng đi được nữa”, người anh hùng “đánh thác” trên sông Nậm Na tiếc nuối.

Hoàng Lam

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Âm vang Điện Biên" do BLL Chiến sỹ Điện Biên Phủ huyện Yên Thành xuất bản năm 2009)