1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ký ức về những ngày bám trận địa viết báo ở Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người phóng viên cũng là những người lính. Vũ khí của họ chính là những bài viết ca ngợi lòng dũng cảm, mưu trí, sự hi sinh gian khổ để kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sỹ trên khắp mặt trận.

Ký ức về những ngày bám trận địa viết báo ở Điện Biên Phủ
Ông Nguyễn Thế Viên - nguyên phóng viên Tờ tin mặt trận của đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngoài tòa soạn do một bộ phận cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phụ trách, xuất bản một tờ báo ngay ở chiến trường thì trong từng trung đoàn, đại đoàn cũng có một tờ tin của riêng mình, mang tên “Tờ tin mặt trận”. Tờ tin này do các “anh phóng viên tập sự” đóng góp bài vở là chủ yếu.

“Từ hồi ở đoàn dân công tôi đã tập tành viết bài, đưa tin về hoạt động của đơn vị. Chiến dịch nổ ra, tôi và một số đồng chí được phân công đi theo các đại đoàn để kịp thời đưa tin về cuộc chiến đấu của quân ta. Tôi đi theo đại đoàn 312. Không máy ảnh, không máy ghi âm. Phương tiện tác nghiệp của chúng tôi lúc đó chỉ là cuốn sổ tay, cây bút chì và trí nhớ của mình”, cựu PV chiến trường Điện Biên Nguyễn Thế Viên (SN 1930, trú tại xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An) nhớ lại.

Tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Thế Viên với bút danh Hồng Sơn được “đăng” ở “Tờ tin mặt trận” của đại đoàn 312 chính là tin về đội công binh phá thác trên sông Nậm Na do Trung đội 5, đại đội 124, tiểu đoàn 555 thực hiện. Một mẩu tin nhỏ về thành công của việc phá thác, mở đường vận chuyển các vũ khí hạng nặng từ hậu cứ ra chiến trường nhưng đã khiến anh “phóng viên” Hồng Sơn vui đến không ngủ.

Ông Nguyễn Thế Viên kể tiếp: “Làm cái anh phóng viên chiến trường ngày ấy cũng không khác một người lính là bao. Chỉ khác ở chỗ là trong khi bộ đội chiến đấu với kẻ thù thì chúng tôi súng khoác vai, tay giữ khư khư bút và giấy để kịp thời ghi lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất về cuộc chiến đấu ngoan cường đang diễn ra trước mắt”.

56 ngày đêm lăn lộn bám trận địa đưa tin, viết được bao nhiêu tin, bài chính ông cũng không còn nhớ rõ. Nhưng những trận đánh ông có mặt để ghi lại một cách chân thực và sống động thực tế chiến đấu của quân dân ta thì vẫn nguyên vẹn trong ký ức.

Ký ức về những ngày bám trận địa viết báo ở Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người phóng viên cũng là một người lính. Chỉ có điều vũ khí của họ là những bài viết ca ngợi chiến công và lòng dũng cảm, mưu trí, gan dạ của bộ đội trên khắp chiến trường.

“Tôi còn nhớ lần đơn vị phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Đó là đội 34, C 297 - TNXP. Đoạn đường này Pháp thả 60 quả bom nổ chậm, có tới 20 quả bom chưa nổ. Lực lượng phá bom đã tìm và phá được 19 quả, một quả nằm sâu dưới đất nên không tìm thấy. Khi toàn đội đang tích cực tìm bom để kịp thông đường thì tiếng nổ chát chúa vang lên.

14 trong tổng số 16 đồng chí hi sinh tại chỗ. Bản thân tôi cũng bị bom vùi nhưng được cứu sống. Chứng kiến phút giây hy sinh oanh liệt của các đồng chí, tôi đã viết ngay một bài tường thuật đăng trên Tờ tin mặt trận của đại đoàn”, ông kể tiếp

Những ngày sau, khi cuộc chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt thì bút giấy để phục vụ việc thu thập tư liệu cũng hết. May mắn ông Viên được tặng một chiếc bút máy chiến lợi phẩm ta lấy được của địch. Còn giấy viết thì nan giải lắm. Những tờ giấy đã viết được ngâm vào nước vôi trong để tẩy trắng rồi phơi khô để tái sử dụng. Nếu như báo Quân đội nhân dân xuất bản tại chiến trường được in ấn đàng hoàng thì những bài viết đăng ở các Tờ tin mặt trận được phát hành bằng một cách rất đặc biệt: Chép tay rồi chuyển ra ngay chiến hào để phục vụ bộ đội.

Những bài báo xuất bản với cách đặc biệt như thế này đã kịp thời đến và động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ. Các tờ tin được viết tay trên những tờ giấy tái sử dụng được bộ đội đón nhận và đọc say sưa ngay giữa lúc ngơi tiếng súng đạn. Mỗi bài viết, mỗi tờ tin là món ăn tinh thần hết sức quý báu đối với bộ đội lúc đó. Tác phẩm của mình được độc giả đặc biệt chờ đợi và đón nhận chính là động lực lớn lao để những phóng viên chiến trường như ông Viên khắc phục những khó khăn, hiểm nguy để tác nghiệp.

Cuộc chiến đấu ác liệt, tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường của bộ đội ta đã trở thành một kho tư liệu khổng lồ cho mỗi phóng viên. Thế nhưng lựa chọn viết cái gì, viết như thế nào để đạt được hiệu quả tuyên truyền, cổ vũ lớn nhất trong chiến dịch lịch sử này cũng khiến ông Viên đau đầu suy nghĩ. “Có những sự kiện, những cuộc chiến đấu tôi chỉ được phép “cô” lại thành một cái tin ngắn nên có khi phải viết đi viết lại 6-7 lần mới đạt được yêu cầu. Từ mặt trận, khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi phải chạy thật nhanh về chỉ huy sở để nghe báo cáo, đánh giá rồi viết để kịp thời “xuất bản”.

Ký ức về những ngày bám trận địa viết báo ở Điện Biên Phủ
Ông Viên (áo trắng) và người đồng đội Điện Biên Phủ tại cuộc triển lãm "Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng" được tổ chức tại TP Vinh cuối tháng 4/2014.

Trời rét, chăn không có, chỉ có chiếc áo trấn thủ, chúng tôi lăn lộn khắp chiến trường để viết. Gian khổ không nói hết được nhưng tự mỗi người phóng viên chúng tôi thấy được trách nhiệm lớn lao của mình trong việc ghi lại một cách chân thực nhất những khốc liệt của chiến tranh, những hành động anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trên các trận địa”, ông Viên kể tiếp.

Chính những ngày tháng ở Điện Biên đã cho ông những kinh nghiệm quý báu cho nghề báo khi chưa được đào tạo qua trường lớp chuyên ngành nào. Kết thúc chiến dịch, ông mới được cử đi đào tạo một cách bài bản và trở thành người viết báo thực thụ ở Đài Tiếng nói Việt Nam rồi vào công tác tại Báo Quân Giải phóng sau này với bút danh Trường Sơn.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, viết hàng nghìn tác phẩm báo chí nhưng những ngày chập chững vào nghề ở chiến trường khốc liệt Điên Biên Phủ vẫn luôn là ký ức không thể nào phai mờ trong tâm trí ông. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn cầm máy ảnh đi và viết. Vẫn là những bài viết tay trên giấy như hồi ở Điện Biên rồi đóng gói vào bì thư, gửi tới một số tòa soạn báo và hồi hộp chờ đợi “đứa con tinh thần” của mình đến với bạn đọc.

Và cũng thật ý nghĩa khi những ngày tháng 5 lịch sử này ông lại giành giải thưởng cao (giải 3) tại cuộc thi viết về cuộc chiến Điện Biên Phủ do Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam phát động và tổ chức. Đó là bài viết về người anh hùng phá thác Phan Tư - đề tài viết báo đầu tiên của ông ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hoàng Lam