Chuyện ở Thủ Thiêm: "Nước mắt không giải quyết được vấn đề"

(Dân trí) - Sau 10 năm khiếu kiện, nhiều người dân thuộc diện ngoài quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn không kìm được nước mắt khi kể về đoạn đường gian khổ. Tuy nhiên, cũng có người phản biện bằng pháp lý, bởi họ cho rằng: "Nước mắt không giải quyết được vấn đề"!

Chuyện của "người vô hình"

Việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm "nóng" hơn bao giờ hết khi sau 10 năm mòn mỏi khiếu kiện, những bức xúc, uẩn khúc mà người dân đưa ra vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng.

Sau buổi tiếp xúc cử tri của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM và Đoàn đại biểu Quốc hội tại Quận 2, chúng tôi tìm về nhà của những người dân phản ánh gay gắt trong buổi tiếp xúc để tìm hiểu sâu hơn.

Khó ai có thể ngờ rằng, ở một đô thị hiện đại vẫn còn có những ngôi nhà, mà đúng hơn là cái chòi. Những túp lều ấy mọc lên ngay chính nền nhà của họ sau khi đoàn cưỡng chế đi qua. Xung quanh là cỏ mọc um tùm, cao lút đầu.

Sau khi mon men theo lối đi đầy sình lầy giữa bạt ngàn cỏ dại um tùm, chúng tôi vào đến nhà của bà Lê Thị Nga (B9/8, KP1, P.Bình An, Q.2). Trong căn nhà trống tuềnh toàng là nơi sinh sống của một gia đình 3 thế hệ.

Gia đình bà Nga sống trong căn nhà tuềnh toàng, bao vây là những bãi cỏ rậm.
Gia đình bà Nga sống trong căn nhà tuềnh toàng, bao vây là những bãi cỏ rậm.

Bà Nga bị bệnh vảy nến. Chồng bà là ông Nguyễn Thế Vinh, thương binh hạng 3/4, thêm bệnh tai biến nên ngồi một chỗ.

Trước khi cùng vợ đi đón con lúc tan trường, người con trai út của bà Nga lắc đầu ngao ngán. "10 năm đấu tranh bảo vệ công lý, rệu rã hết rồi, chú ơi", con trai bà Nga thở dài rồi nổ xe chạy khuất dần sau đám cỏ.

Cả gia đình 3 thế hệ nương tựa vào nhau.
Cả gia đình 3 thế hệ nương tựa vào nhau.

Nhà bà Nga nằm ngoài quy hoạch nhưng vẫn bị cưỡng chế. Gia đình bà quyết giữ lại gia tài nên càng bị liệt vào "thành phần chống đối". "Sau 3 lần cưỡng chế, nhà tôi chỉ còn lại cái nền trên đống đổ nát. Mọi thứ mất hết...", bà Nga nói.

Và nỗi đau nhất của gia đình bà chính là đứa con trai thứ bỗng nhiên "mất tích" sau lần cưỡng chế vào năm 2012.

"Nhà của tôi. Giấy tờ tôi nắm trong tay. Không một quyết định thu hồi đất, không một quyết định cưỡng chế. Vậy mà, họ ùn ùn kéo đến đập phá nên thành ra nông nỗi này. Anh thấy đó, nhà tôi giờ thua cái toilet người ta", bà Nga bức xúc.

Sau những ngày đấu tranh giữ đất, chồng bà Nga nhiều lần bị tai biến ngồi một chỗ.
Sau những ngày đấu tranh giữ đất, chồng bà Nga nhiều lần bị tai biến ngồi một chỗ.

Nhà bà Nguyễn Thị Kim Phượng (B26 /9 KP.1, P.Bình An, Q.2) càng bi đát. Lối vào cổng chính bà bịt kín để người ta không phát hiện, không vào cưỡng chế. Bà phải đi vào nhà bằng con đường tắt, băng qua bãi giữ xe của một nhà hàng khá đồ sộ ở Quận 2.

"Nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi là chủ sở hữu. Vậy mà...", bà Phượng khóc rưng rức, không thể thốt thành lời khi kể về câu chuyện bi đát của gia đình mình.

"Ngày 31/7/2012, nhà tôi bị đập, chở hết toàn bộ tài sản đi, đẩy 4 người trong gia đình ra đường. Tôi đi lang thang dựng chòi trên miếng đất đó để ở. Chồng ở nhờ cơ quan, lúc thì ở nhờ nhà chị vợ. Hai đứa con thì đứa ở bên dì, đứa bên nhà cậu...", bà Phượng kể.

Khi không còn tài sản, bà Phượng cứ nhận mình là người vô hình.
Khi không còn tài sản, bà Phượng cứ nhận mình là "người vô hình".

Quá đau buồn trước nghịch cảnh, năm 2016, chồng bà Phượng đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian lâm bệnh.

Trước khi mất, chồng bà Phượng có di nguyện về bên nhà để trút hơi thở cuối cùng trên miếng đất của mình nhưng do tình hình lúc đó cũng nhạy cảm nên không làm được.

Giờ đây, bà Phượng cứ nhận mình là "người vô hình" bởi bà không còn nhà nên không được xác định nhân thân.

Họ vẫn hy vọng ánh sáng ở cuối con đường...
Họ vẫn hy vọng "ánh sáng ở cuối con đường"...

"Công an xác nhận nhưng không đóng dấu giáp lai lên hình nên tôi không đi đâu được. Thậm chí, thẻ cử tri của tôi họ cũng để một địa chỉ nào đó lạ hoắc. Tôi khiếu nại mãi mới chịu chỉnh sửa...", bà Nga mếu máo.

"Nước mắt không thể giải quyết được"

Mặc dù bức xúc vì bị cưỡng chế, thu hồi đất dù nằm ngoài phạm vi giải toả nhưng người dân ở Quận 2, TPHCM vẫn một lòng tin tưởng vào pháp luật và các cấp có thẩm quyền. Họ vẫn hy vọng "ánh sáng ở cuối đường hầm"...

Nhiều người dân khẳng định, họ tin vào pháp luật và đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật nên "xin đừng liệt chúng tôi vào thành phần chống đối".

Ông Phạm Thế Vinh (địa chỉ 23/5F, Trần Não , KP.2 P.Bình hánh, Q.2) mặc dù tuổi cao sức yếu, lâm nhiều bệnh nặng nhưng vẫn nói "sang sảng", nhớ như in từng văn bản, quyết định, các thể loại bản đồ có liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Vinh là bộ đội, bị bệnh nặng, mất sức lao động nên được nghỉ sớm. Cả gia đình ông về Quận 2 để sinh sống. Ông lập công ty nuôi trồng, chăm sóc cây cảnh ngay tại địa chỉ nhà nêu trên.

Chuyện ở Thủ Thiêm: "Nước mắt không giải quyết được vấn đề" - 6

Thế nhưng, cũng như những hộ bà Nga, bà Phượng, gia đình ông Vinh bị cưỡng chế thu hồi 2.600m2 đất.

"Một căn nhà cấp 4 rộng 180m2. Nhiều cây xanh trị giá bạc tỷ mà họ đã đập, chặt không thương tiếc. Mẹ tôi vừa mất, bàn thờ anh tôi là liệt sĩ cũng không kịp để tôi di dời... ", ông Vinh nghẹn ngào nói về cái ngày bị cưỡng chế.

Sau khi bị thu hồi, cưỡng chế năm 2011, ông sống vất vưởng trên cái chòi lá suốt 6 năm. Ngần ấy thời gian, ông Vinh mày mò đủ các loại văn bản pháp luật nhà nước để đeo đuổi hành trình đòi lại công lý cho mình.

Ông Vinh đã mày mò gần 10 năm trời, thu thập toàn bộ văn bản pháp lý. Văn bản ông cẩn thận gửi 4 chỗ, trong đó có 2 chỗ tại TPHCM và Hà Nội, Nam Định để không bị thất lạc.

Ông Vinh đã mày mò gần 10 năm trời, thu thập toàn bộ văn bản pháp lý.
Ông Vinh đã mày mò gần 10 năm trời, thu thập toàn bộ văn bản pháp lý.

Ông Vinh nói rằng, những giọt nước mắt của người dân hôm tiếp xúc cử tri không giải quyết được vấn đề. Đối thoại với chính quyền thì phải dùng luật pháp và chứng cứ pháp lý.

"Nước mắt không giải quyết được vấn đề. Nếu động lòng vì những giọt nước mắt của dân thì họ đâu có cưỡng chế, thu hồi bất chấp như vậy. Nếu động lòng thì họ đâu để dân chúng tôi oan ức, kêu cứu suốt 10 năm nay. Người dân đã khóc nhiều rồi mà có giải quyết được gì đâu", ông Vinh nói.

Tôi hỏi ông có nản lòng khi khiếu nại, khiếu kiện kéo dài mà đến giờ vẫn không có một văn bản phản hồi, ông Vinh quả quyết: "Đó là toàn bộ tài sản. Là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của tất cả thành viên gia đình tôi. Tôi không nản".

Khi bị thu hồi đất, những gia đình sống vất vưởng. Những mảng tường bị đập bỏ chỉ còn trơ cánh cửa nằm chỏng chơ trong bụi rậm.
Khi bị thu hồi đất, những gia đình sống vất vưởng. Những mảng tường bị đập bỏ chỉ còn trơ cánh cửa nằm chỏng chơ trong bụi rậm.

"Ai cũng có sai. Sai thì sửa. Phải nhìn thẳng cái sai để khắc phục, sửa chữa, chứ tôi không mốn cá nhân nào vì cái này kia mà bị kỷ luật hay vào tù. Đằng sau họ cũng là cả một gia đình. Họ có bị gì mình cũng đâu có vui", ông Vinh nói.

Công Quang - Nguyễn Quang