Bạc Liêu:
Chuyện lương y “không nhà” nuôi hàng chục đứa con
(Dân trí) - Dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng khi thấy những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi là ông liền ôm về nhà cùng vợ nuôi, chăm sóc như con đẻ. Ông quan niệm “nuôi không phải để cho người ta sống mà còn phải cho người ta có trí tuệ”.
Vợ chồng ông Lý
Thấy những đứa bé bị bỏ rơi là ôm về nhà
Ông Lý cho biết, đứa bé đầu tiên mà ông mang về nhà là một cô bé 6 tuổi ở Cà Mau. Lần đó (khoảng những năm 78-79) ông về quê vợ, thấy có một cô bé nhà nghèo quá, gia đình không nuôi nổi nên ông quyết định xin về nuôi và lo cho ăn học. Cô bé này ông nuôi được 20 năm, năm 26 tuổi thì Nguyễn Thị Bé Hai (tên cô bé) mới đi lấy chồng.
Năm 1979, ông và vợ đến Trạm Y tế thị trấn Hộ Phòng thì thấy có một người phụ nữ đang bồng một đứa bé mới sinh đi ra ngoài. Ông thấy nghi ngờ nên hỏi là mang đi đâu, người phụ nữ này lắp bắp nói mang đi cho. Thấy vậy, ông bảo đưa cho ông mang về nuôi. Đứa trẻ này hiện nay đã 31 tuổi tên Nguyễn Thị Loan Thảo vừa học xong Cao đẳng Y tế, đang chờ xin việc và đang sống chung với ông Lý.
Rồi cứ như thế, đi đâu và làm gì, hễ ông bắt gặp những đứa trẻ mới sinh mà không ai nhận nuôi là ông liền ôm về nhà. Hay những đứa trẻ nhà nghèo, gia đình không nuôi nổi ông cũng xin về. Ông Lý chia sẻ: “Cũng may là vợ tui rất đồng tình nên việc mang những đứa trẻ này về nhà và nuôi nấng, cho ăn học được thuận lợi. Có nhiều đứa cho đến bây giờ, chẳng ai biết là con nuôi của tui”.
Bà Hồng (trái) và ông Lý cùng một đứa con nuôi 31 tuổi Nguyễn Thị Loan Thảo (đứng phía sau).
Những đứa con tên “Thảo”
Ông Lý đặt tên các con của mình đa số đều tên Thảo (chỉ khác chữ lót). Ông Lý lý giải, do mình là một thầy thuốc nên việc đặt tên Thảo (cỏ cây) cũng có ngụ ý mong muốn giữ và phát triển nghiệp “lương y như từ mẫu” này.
Ông Lý còn có 4 người con ruột (đều là con gái), ngoài một cô con gái đã lấy chồng, một cô đang công tác tại TPHCM, thì 2 cô còn lại đều đang là sinh viên (Cao đẳng kế toán Bạc Liêu và ĐH Cần Thơ). Trong số 4 người con ruột của ông, thì có Nguyễn Thu Thảo (26 tuổi) bị bệnh viêm não, bị mù cả 2 mắt. Ông Lý cho Thu Thảo học hết lớp 5 chữ nổi, rồi cho học nhiều nghề khác nhau để có thể tự mình lo cuộc sống sau này. Thu Thảo thấy học nghề mátxa cho người mù phù hợp nên quyết định học và hiện đang làm cho một cơ sở ở TPHCM.
Còn chuyện ra đời của Nguyễn Phước Thảo và Nguyễn Ngọc Thảo cũng là câu chuyện khá đặc biệt của gia đình ông Lý. Năm đó bà Hồng đang nằm trong phòng sinh ở bệnh viện Bạc Liêu, còn ông Lý thì ở ngoài chờ đợi. Đang chờ đợi vợ sinh thì ông thấy một người phụ nữ đang tìm người để cho một bé nam sơ sinh. Ông Lý thương tình nên xin đứa trẻ này, khi ông xin xong thì vợ ông cũng vừa sinh một bé gái. Thế là ông làm giấy khai sinh cho 2 đứa bé sinh đôi, đặt tên là Nguyễn Phước Thảo và Nguyễn Ngọc Thảo. Hiện cả 2 đang học Đại học Cần Thơ.
Ông Lý đang chữa bệnh châm cứu cho người dân
Dời nhà 14 lần để nuôi con ăn học
Để có tiền nuôi hàng chục đứa con cả nuôi lẫn ruột, vợ chồng ông Lý đi làm rất nhiều nghề. Vì lương ở bệnh viện huyện Giá Rai (ông Lý nguyên là Trưởng khoa Đông y bệnh viện huyện Giá Rai) không đủ nên ông xin nghỉ để về nhà làm thấy thuốc đông y, rồi ươm tôm giống, mở phòng sanh… nhưng với hàng chục đứa con đang trong tuổi ăn học nên vợ chồng ông Lý luôn trong cảnh túng quẫn. Nhiều người chê trách ông bà đi làm những chuyện bao đồng để rồi cái nghèo cứ đeo bám nhưng ông bà vẫn bỏ ngoài tai. Cũng chính cái nghèo, không có tiền nuôi các con nên ông Lý bán luôn căn nhà của mình khoảng năm 1986 và từ đó bắt đầu đi “ở đậu”.
Ông Lý đã có 14 lần dời nhà, vợ chồng ông Lý phải dắt díu con cái ở nơi này đến nơi khác. Lúc thì thấy có đất trống, ông lại mượn người ta rồi cất nhà ở tạm, những khi ở được 1 năm, những khi được 2-3 năm mới đi chỗ khác. Có 1 năm, ông Lý dời nhà đến 4 lần. Dù cũng chỉ quanh quẩn ở Gành Hào nhưng mấy chục năm nay hầu như vợ chồng ông Lý “không được an cư”.
Bà Hồng chia sẻ: “Thời gian trước đây do kinh tế gia đình thiếu thốn nên chỉ có thể mua được mấy bộ quần áo, mấy đôi giày dép mới. Vì lẽ đó, các con nó thay phiên nhau mặc. Đứa nào đi học thì mặc, đứa nào không học thì nhường lại cho đứa khác. Ngay cả vở học cũng rất tiết kiệm. Sau khi học hết 1 năm học, quyển vở nào còn trang trắng thì cắt ra gom lại để cho ông Lý làm đơn kê toa thuốc, hoặc đóng lại thành vở học mới”.
Để có tiền đóng học phí một lượt cho mấy đứa con, năm nào vợ chồng ông Lý cũng phải chạy vạy đi vay tiền góp, tiền ngày. Cảm phục sự vươn lên, gia đình ông Lý được Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tặng giấy khen vì tích cực thực hiện phong trào xây dựng gia đình hiếu học từ năm 2004 - 2008.
Nền nhà mà vợ chồng ông Lý đang ở (3 năm nay) là của ông Tô Hán Sến (thị trấn Gành Hào) cho mượn. “Nếu lấy lại thì tui phải đi tìm đất trống khác rồi hỏi mượn để ở, nếu họ không cho mượn thì đành phải thuê để làm kế sinh nhai nuôi mấy đứa con còn đang học dở dang”, ông Lý thành thật.
Khi chúng tôi hỏi, thế ông bà định nhận con nuôi nữa không ? Vợ chồng ông Lý cười xòa cho biết, vợ chồng ông già rồi chắc là nuôi không nổi nữa. Nhưng vẫn giáo dục con cái sau này nếu có điều kiện cũng sẽ làm như ông bà từng làm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Văn Tỏ- Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào cho biết, hiện đang chờ phía UBND huyện thực hiện chính sách tái định cư cho người dân. Nếu có thể, đến lúc đó sẽ đề nghị xem xét cấp cho vợ chồng ông Lý một nền để cất nhà ở lâu dài.
Huỳnh Hải