1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên Tử

Đây là pho tượng đá nguyên khối lạ kỳ nhất trên non thiêng Yên Tử. Bao năm qua người ta vẫn đến đây lễ bái, phụng thờ nhưng chưa ai thực sự hiểu được huyền tích ra đời của pho tượng.

 

 

Theo sử sách, ngay từ thủa sơ khai, Yên Tử đã là một ngọn núi thiêng nổi tiếng khắp nước Việt. Chính vì vậy, vào thế kỷ thứ III trước CN đã có đạo sỹ tên Yên Kỳ Sinh - đạo sỹ giỏi nối tiếng xứ Trung Hoa đến đây tu luyện rồi hóa đá. Dấu tích xưa nay vẫn còn lại một pho tượng đá cao 2m, hình người, đứng chắp tay hướng về Bắc.

 

Tượng đá mang hình người kỳ lạ

 
Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên Tử - 1

Khi đi qua tượng, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái.

Pho tượng đá An Kỳ Sinh (hay còn gọi là Yên Kỳ Sinh) tọa lạc ngay giữa đỉnh Yên Tử, đoạn từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng. Là tượng đá nguyên khối, lại đứng giữa đất trời hàng nghìn năm nên rong rêu bám đầy. Nhiều người dân ở đây cho rằng tượng đá An Kỳ Sinh là một khối đá thiên tạo, dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió.

 

Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên TửKhi đi qua tượng, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái.

 

Tượng được dựng đứng trên một khối đá hình nấm, dưới chân tượng được cố định bằng xi măng. Trước mặt tượng được xây một bệ thờ ba bậc, bằng xi măng và đặt một bát hương rất to. Bên phải có một bệ thờ nhỏ, cũng đặt một bát hương.

 

Không ai biết đích xác đó là bệ thờ ai, chỉ nghe tương truyền đó là bệ thờ một vị đệ tử của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh. Bên trái có một biển bằng xi măng cắm trên một cột bê tông hình chữ nhật, nét chữ sơn vàng ghi: "Tượng An Kỳ Sinh - di tích có giá trị, đã được xếp hạng bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm".

 

Thật lạ là trong khi đường leo núi, đoạn từ tháp 7 tầng đi lên chùa Đồng, đoạn nào cũng dốc, đá núi lởm chởm thì chỗ đặt tượng thờ An Kỳ Sinh lại bằng phẳng, mặc dù rộng chưa đầy 100m2. Một số người bán hàng ở đây cho biết, chỉ duy nhất ở đoạn này, trên hành trình lên chùa Đồng không bao giờ xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Khi đi qua đoạn này, du khách thập phương thường kiên nhẫn đứng lại, chờ đến lượt mình được vào lễ bái chứ không tranh giành nhau như ở chùa dưới.

 

Người ta quan niệm, tượng An Kỳ Sinh là một pho tượng kỳ lạ nên ẩn chứa trong đó nhiều phép màu huyền bí. Bởi vậy, khi đến đây người đi chùa thường lấy một tờ tiền mới, chà lên mình tượng để cầu phúc, cầu sức khỏe và tài lộc.

 

Cũng có người cho rằng tượng là hiện thân của Yên Kỳ Sinh - một vị đạo sỹ tinh thông bách bệnh, từng luyện nên linh đan trường sinh bất tử nên khi nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa đã đến đây lập đàn cúng tế, xin cho bệnh tật tiêu tan, tai qua nạn khỏi đã rất linh ứng.

 

Theo PGS Nguyễn Duy Hinh - người đã nhiều năm nghiên cứu về tôn giáo Việt Nam thì trước đây khu di tích này là một quần thể gồm một tượng đá đứng và hai ngôi mộ hình chữ nhật có nấm, đắp cao khoảng hơn 10cm. Xung quanh có kè đá che chắn khá kiên cố.

 

Tương truyền đó chính là tượng An Kỳ Sinh và hai ngôi mộ là mộ hai học trò của ông. Tượng không phải là đá mọc tự nhiên mà là do con người dựng, chính vì thế dưới chân tượng mới có nhiều khối đá lớn như bệ để giữ cho tượng không bị đổ. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ở phần ngực tượng có một khung hình chữ nhật khắc lõm, qua năm tháng đã bị mờ.

 

Theo phỏng đoán của PGS Hinh thì đó có thể do ngày xưa khi đặt tượng người ta đã khắc tên An Kỳ Sinh như một cách yểm tâm tượng thường thấy trong dân gian. Đó cũng chính là dấu vết của một sự gia công. Gần tượng xưa còn có động Dược am và Thung am (am thuốc và am luyện thuốc).

 

Yên Kỳ Sinh là đạo sĩ hay thiền sư?

 

Chuyện lạ quanh bức tượng đá giữa trời Yên Tử - 2

Đại đa số người dân qua nhiều thế hệ đều chỉ biết rằng tượng đá là hiện thân của thiền sư An Kỳ Sinh - vị thiền sư đầu tiên đến tu tập trên đỉnh Yên Tử. Tên Yên Tử sau này cũng là bắt nguồn tên ông (Yên Tử theo sách An Nam Chí của Cao Hùng Trưng ban đầu có tên là Tượng Đầu sơn). Cũng từng có nhiều nhà nghiên cứu về đây tìm lại các dấu tích cổ để móc nối với các giai thoại lịch sử, trả lời cho câu hỏi: Nhân vật Yên Kỳ Sinh có thực sự đã đặt chân đến Yên Tử?

  

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Duy Hinh, trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú có dẫn bài thơ "Thủy văn tùy bút" của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này đã nhắc đến Yên Kỳ Sinh như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Như vậy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh và Yên Kỳ Sinh là đạo sĩ chứ không phải là thiền sư.

 

Về nguồn gốc của vị đạo sỹ họ Yên này, trong sách "Liệt tiên truyện" của Trung Quốc cho biết rằng, Yên Kỳ Sinh là người Phụ Hương ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải, người bấy giờ gọi là Thiên Tuế Ông. Tần Thủy Hoàng đi tuần phương Đông đã từng nói chuyện với ông và tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích nhưng đã bị ông bỏ lại trong đình Phụ Hương cùng một bức thư, một đôi giày bằng xích ngọc để báo đáp, bảo mấy năm sau Tần Thủy Hoàng hãy đến núi Bồng Lai tìm ông.

 

Theo lời dặn, mấy năm sau Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị (Từ Phúc), Lô Sinh đem mấy trăm người ra biển tìm ông nhưng chưa đến núi Bồng Lai thì gặp bão nên phải quay về. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ ông ở đình Phụ Hương và ven biển Đông Hải. Nhà Tần mất, ông ở cùng người bạn thân là Khoái Thông.

 

Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác, không biết chết ở đâu. Trong một số thư tịch và sử liệu Trung Hoa cũ còn cho biết thêm, Yên Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm.

 

Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người trở nên thắc mắc, tại sao Trung Quốc nổi tiếng với vô số núi thiêng như Hoằng Sơn, Thiên Thai, Nga Mi, Vũ Ang, Ngũ Nhạc... sao An Kỳ Sinh lại không ở đó mà đến Yên Tử?

 

Theo lý giải của PGS Hinh thì trong sách "Đại Nam nhất thống chí" có ghi rõ ngay tại tỉnh Sơn Tây, huyện Tam Dương và Lập Thạch (thuộc vùng đất Quảng Ninh và Phú Thọ ngày nay) có cây thạch xương bồ mọc rất nhiều trên đỉnh núi. Như vậy có thể Yên Kỳ Sinh từng tìm đến Yên Tử tìm cây thạch xương bồ để cứu người hoặc luyện linh đan sau đó ở lại nơi đây tu luyện.

 

"Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, đó là vấn đề quan hệ đi lại giữa Giao Châu với miền ven biển Đông Hải thời Tần Hán khá thuận lợi. Những di tích khảo cổ học thời Ân Thương ở Quảng Đông và nước ta đã chứng tỏ mối quan hệ khó tưởng giữa hai nước. Do vậy, khả năng Yên Kỳ Sinh đến Yên Tử vào thế kỷ III trước CN là có khả năng xảy ra" - PGS Hinh cho biết.

 

Về pho tượng đá An Kỳ Sinh, PGS Hinh nhận định rằng đây là một di tích ngoài trời mang tính dân gian, hoặc do môn đệ của Yên Kỳ Sinh lập nên hoặc do nhân dân tạo dựng để đánh dấu sự có mặt của Yên Kỳ Sinh và môn phái của ông trên đỉnh núi này. "Còn việc chỉ có mộ của học trò mà không có mộ của ông, có thể lý giải do Yên Kỳ Sinh là tiên nên bay lên trời chứ không chết, vì vậy không có mộ. Hoặc cũng có thể môn đồ của ông đến đây luyện linh đan rồi chết, mộ của họ còn đó và bên cạnh là tượng thờ tổ sư" - PGS Hinh nói.

 

Theo ĐS&PL