Chương Mỹ - Hà Nội nước vẫn ngấp nghé mái nhà
(Dân trí) - Đến sáng nay 13/10, một số xã tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước. Người dân đang tích cực vận chuyển lương thực, thực phẩm cho những vùng bị cô lập để tạm thời ổn định cuộc sống. Tại huyện Mỹ Đức, gần 600 hộ dân phải di dời.
Sáng nay 13/10, những con đường trong các thôn vẫn ngập ngang người, hàng trăm ngôi nhà của người dân tại các xã xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn ngập sâu trong biển nước. Có những ngôi nhà vẫn ngập gần đến mái.
Chị Phượng là người dân địa phương cho biết, trong đêm 11 và rạng sáng ngày 12/10, các hộ gia đình lũ lượt kéo nhau đi sơ tán, đến những nơi cao ráo trong làng để tránh lũ.
Theo chị Phượng, khoảng hơn 19h ngày 11/10, các nhà trong xóm đang ăn bữa cơm tối thì thấy nước ầm ầm đổ về. Nhiều người dân chạy ra ngoài thì phát hiện con nước lớn tràn qua đê Hữu Bùi 2 và Hữu Bùi 3, và mọi người hô hào nhau chạy lũ.
Một số hộ dân cho biết, sở dĩ nước tràn vào làng nhanh như vậy là sự cố sạt khoảng 10m đê.
Nước vẫn ngấp nghé mái nhà.
Người dân đi lại bằng thuyền
Theo báo của của UBND huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có mưa kéo dài. Nhiều nơi mực nước dâng cao quá mức báo động III. Tính đến nay, huyện có hơn 100 ha lúa mùa chưa thu hoạch bị ngập; hơn 840 ha cây vụ Đông bị hư hỏng do mưa lớn; gần 64 ha cây ăn quả bị ngập; gần 130 ha diện tích thủy sản bị ngập. Ngoài ra còn có 178 con gia súc, 9.700 con gia cầm bị chết...
Tổng chiều dài đoạn đê bị ngập là 9.900 m. Đoạn đê bị sạt trượt là đê Bùi 2, sạt lúc 7h35 ngày 12/10.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng xử lý các sự cố. Tại xã Tốt Động đã huy động 80 lượt người, 01 máy xúc tham gia hộ đê hữu Bùi dài 300m. Tại xã Thanh Bình, UBND huyện đã huy động quân đội, cán bộ, thanh niên các xã lân cận tham gia hộ đê chống tràn toàn tuyến đê Tả Bùi thuộc địa phận xã Thanh Bình dài 1.200m; di chuyển 1.200 con lợn, 12.000 con gia cầm đến nơi an toàn. Xã Đông Sơn huy động 200 người cứu hộ bể xả trạm bơm Đông Sơn.
Khắp làng vẫn mênh mông nước.
Các đơn vị chức năng đã tiến hành xây dựng kế hoạch sơ tán 618 hộ với 5.558 nhân khẩu. UBND huyện cùng với các xã, thị trấn, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn đã huy động 1.812 lượt người tham gia hộ đê, sơ tán cứu dân. Ngoài ra, còn huy động 2 xuồng máy, 16 xe ô tô của lực lượng quân đội và nhiều loại phương tiện huy động của nhân dân. Tuy nhiên, hiện một số xã, thị trấn bị ngập nặng như: Thị trấn Xuân Mai (khu Trại màu trồng cây ăn quả), diện tích 22,7ha bị ngập sâu trên 2m; xã Thủy Xuân Tiên (các thôn Xân Linh, Xuân Sen, Xuân Thủy, Gò Cáo); các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ đang bị ngập nặng do ảnh hưởng nước sông Bùi dâng cao.
Huyện Mỹ Đức di dời khoảng 600 hộ dân đến nơi an toàn
Tại huyện Mỹ Đức, theo báo cáo mới nhất của UBND huyện này, tính đến 5h sáng 13/10, cơn lũ đã cuốn một chiếc xe ô tô bán tải xuống lòng sông Mỹ Hà và hiện vẫn đang chìm dưới đó. Chiếc ô tô này mang BKS của tỉnh Hưng Yên khi đang đi ngang qua đập tràn Cầu Dậm. Ngoài ra một chiếc xe máy của người dân xã Hợp Tiến cũng bị lũ cuốn trôi tại khu đập tràn trên.
Theo chính quyền địa phương, những người này bất chấp sự ngăn cản của lực lượng công an xã và người dân địa phương nhưng họ vẫn cố tình đi qua. Rất may những người nay đã không bị lũ cuốn trôi.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, hiện trên địa bàn có khoảng 1.100m đê bị nước tràn qua. Chính quyền địa phương đã huy động trên 2.100 người, sử dụng gần 14 nghìn bao tải cát với khối lượng hơn 550m3 để ngăn dòng lũ nhưng tất cả dường như bất lực.
Hiện huyện Mỹ Đức đã phải di dời khẩn cấp gần 600 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và có 4 căn nhà bị sập. Tuy nhiên may mắn không bị thiệt hại về người. Khoảng 2.100ha hoa màu, 1.700 ha thuỷ sản bị ngập trắng, hơn 4 vạn con gia súc gia cầm bị chết.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của huyện Mỹ Đức vẫn ứng trực 24/24h để theo dõi sát diễn biến tiếp theo của mưa lũ. Hiện hàng trăm hộ dân tại hai huyện này vẫn chìm sâu trong biển nước.
Tuấn Hợp