1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Chùa Tiên Phước 2 nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội

(Dân trí) - Đại diện Thành hội Phật giáo TPHCM khẳng định: chùa Tiên Phước 2 là cơ sở tự phát, không trực thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo.

 

Chùa Tiên Phước 2 nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội - 1
Cô Vân (Nguyễn Thanh) và chùa Tiên Phước 2

 

Trao đổi với Dân trí sáng 8/10, Thượng tọa Thích Huệ Văn, Phó thư ký đặc trách hành chánh quản trị Thành hội Phật giáo TPHCM tỏ ra bức xúc về sự việc chùa Tiên Phước 2 ngược đãi trẻ mồ côi. Ông khẳng định ngay từ đầu: “Đây là cơ sở tự phát, bất hợp pháp, không trực thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo (GHPG)”.

 

Thưa thầy, nguyên do nào dẫn đến tình trạng chùa tự phát như Tiên Phước 2?

 

Q. Bình Tân trước kia là một phần huyện Bình Chánh. Nơi đây tập trung nhiều tu sĩ trên cả nước về TPHCM tu học. Các tu sĩ trước khi đi học đều cam kết với GHPG tỉnh, sau khi học xong (khoảng 5 -10 năm) sẽ trở về phục vụ tại tỉnh nhà.

 

Sau khi tốt nghiệp, họ quen biết một số Phật tử tại đây và không trở về địa phương. Đây là khu vực ngoại ô, giá đất rẻ, họ dễ dàng mua đất, xây nhà rồi rước tượng Phật về, tự xưng là chùa. Sau khi quận Bình Tân thành lập thì vẫn còn 60 – 70 trường hợp như vậy.

 

Giáo hội không quản lý được những trường hợp này vì họ bất hợp tác với Giáo hội. Hoặc có người đăng ký nhưng không được chấp nhận vì chưa đủ điều kiện (chẳng hạn, hộ khẩu ở tỉnh...). Từ đó xảy ra nhiều việc bất cập, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người xuất gia.

 

Vậy trên địa bàn thành phố, những tự viện nào nuôi trẻ mồ côi được xem là hợp pháp, thưa thầy?

 

Những chùa có đăng ký nuôi trẻ mồ côi và có sự quản lý của Thành hội gồm: chùa Diệu Giác (Q.2), chùa Kỳ Quang 1 (Q. Gò Vấp), chùa An Lạc và chùa Từ Hạnh (Q. Bình Tân), chùa Pháp Võ (Q. Nhà Bè).

 

Ngoài các chùa đã nêu, Thành hội không quản lý những cơ sở thờ tự nuôi trẻ mồ côi khác vì Ban đại diện Phật giáo tại các quận không báo cáo. Đây là vấn đề cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Giáo hội trong công tác quản lý.

 

Thưa thầy, trong giới luật của Phật giáo có quy định nào cho 1 tu sĩ khi làm từ thiện? Nếu những việc làm của cô Nguyễn Thanh đúng như lời tố cáo thì cô vi phạm những điều luật nào?

 

- Tuy không có quy định nào cho tu sĩ khi làm từ thiện nhưng đã là con Phật thì phải có lòng từ tâm, phải thương người đau khổ và giúp họ vượt qua. Làm từ thiện phải đúng chánh pháp và luật pháp của Nhà nước.

 

Nếu những lời tố cáo là đúng sự thật thì những hành động của cô Nguyễn Thanh phải bị lên án. Đối với tu sĩ do Giáo hội quản lý thì Giáo hội sẽ nhắc nhở, kiểm điểm, không cho họ sinh hoạt nữa.


Hiện nay, GHPG đã có quy định gì để quản lý hoạt động từ thiện ở các tự viện hay chưa? Hướng khắc phục và làm trong sạch các tự viện đang làm công tác từ thiện nhưng có biểu hiện thiếu minh bạch như thế nào, thưa thầy?

 

Sắp tới, Thành hội sẽ họp Ban đại diện Phật giáo tại các quận, huyện lại để thông báo tình hình này, đề nghị Ban đại diện Phật giáo các quận, huyện kết hợp với chính quyền địa phương, phát hiện những cơ sở thờ tự nào chưa có phép, không đủ pháp nhân, pháp lý để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.


Trường hợp nào chống đối, có lẽ sẽ giải tán, trục xuất họ khỏi địa phương. Chúng tôi sẽ kiểm tra, giải quyết sớm những trường hợp đội lốt tu sĩ để hạn chế những việc làm không đúng với lòng từ bi của đức Phật.


Theo hướng dẫn của Thành hội, Dân trí tìm gặp Thượng tọa Thích Nhật Ấn, chánh đại diện Phật giáo quận Bình Tân. Thượng tọa cho biết:


Chùa Tiên Phước 2 nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội - 2
Thượng tọa Thích Nhật Ấn (Ảnh: Giác Ngộ online)

Khoảng những năm 90, cô Nguyễn Thanh đến đây xây chùa. Sau đó, cô có đến Ban đại diện vài lần để nhờ xúc tiến việc mở lớp học tình thương. Chúng tôi hướng dẫn cô đến làm việc với Phòng giáo dục địa phương vì đây không phải thẩm quyền của Ban đại diện. Từ đó, cô Thanh không trở lại đây nữa.

 

Do cô Thanh không tham gia sinh hoạt với Giáo hội nên chúng tôi không nắm nhân thân của cô. Chùa Tiên Phước 2 cũng nằm ngoài danh bộ các chùa tại quận Bình Tân (gồm 22 chùa).

 

Thưa thầy, để một cơ sở thờ tự được Giáo hội công nhận thì cần có những thủ tục gì? Việc quản lý các chùa này như thế nào?

 

Theo đúng thủ tục thì họ phải xin phép Giáo hội và chính quyền địa phương để cơ sở được công nhận. Tại Q. Bình Tân có nhiều trường hợp tăng ni về đây mua đất cất am nhưng chỉ có một số làm thủ tục.

 

Ở đây, tất cả tự viện trong danh bộ do Ban đại diện Phật giáo quản lý, sinh hoạt theo quý hoặc triệu tập đột xuất khi có sự việc cần giải quyết. Hoặc nếu có việc gì cần hỗ trợ thì họ có thể tìm đến Ban đại diện.

 

Việc sư cô Nguyễn Thanh ngược đãi trẻ mồ côi sẽ được xử lý như thế nào, thưa thầy?

 

Nếu chỉ Ban đại diện Phật giáo quận đứng ra giải quyết thì sẽ không xong vì lâu nay, cô Nguyễn Thanh và chùa Tiên Phước 2 không nằm trong sự quản lý của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền phường Bình Hưng Hòa B để giải quyết sớm việc này.

Xin cảm ơn Thượng tọa!


Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm