1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Những bất thường ở chùa Tiên Phước 2

(Dân trí) - Sau bài viết về hoàn cảnh khó khăn của bé Hoa Quỳnh được nuôi dưỡng ở chùa Tiên Phước 2, nhiều nhà hảo tâm đến thăm chùa và phản ánh “Chùa không nuôi dạy tốt, thậm chí có dấu hiệu bạo hành trẻ…”.


Những bất thường ở chùa Tiên Phước 2 - 1
Khuôn mặt lem luốc của các bé bị bệnh ngoài da


Từ một bức thư…
Cuối tháng 8/2010, Dân trí nhận được tin báo của bạn đọc về trường hợp của bé Hoa Quỳnh bị bệnh, phải thay tim hoặc gắn máy trợ tim mới mong kéo dài được sự sống. Bé bị bỏ rơi trước cửa chùa Tiên Phước 2 (17/66/26 tổ 126, KP9, phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân, TPHCM).

Sau đó, Dân trí đã đăng tải trường hợp nguy kịch của bé Hoa Quỳnh. Nhiều báo khác (VNExpress, báo Công an TPHCM…) cũng đưa tin về chùa Tiên Phước 2. Rất nhiều mạnh thường quân đã đến ủng hộ trực tiếp cho bé Hoa Quỳnh và hỗ trợ vật chất để nuôi hơn 10 bé mồ côi tại đây.

Thấy các bé yếu sức, chùa bừa bộn, thiếu người chăm lo, các nhà hảo tâm đến chùa tự mình chăm sóc bé. Sau nhiều ngày thường trực tại đây, nhiều sự thật mới được hé lộ.

Bạn đọc cho rằng cách nuôi dưỡng của chùa, cụ thể là sư cô Nguyễn Thanh (tên thật là Nguyễn Thị Vân, SN 1968, quê Quảng Ngãi) "có vấn đề".

Những bất thường ở chùa Tiên Phước 2 - 2
Bé Hoa Quỳnh luôn tay gãi ngứa vì ghẻ 

Bạn đọc P. bức xúc: “Chùa nuôi 13 bé, từ 2 tháng cho đến 13 tuổi nhưng chế độ ăn uống y như nhau. Hầu như ngày nào cũng cháo, mì tôm và sữa bột. Các loại tã mạnh thường quân đem đến cũng không cho các bé dùng…”.

Chị P. cho biết thêm: “Phòng mấy bé nằm nóng nực, tôi mua quạt đem đến, chỉ một vài hôm là bị gỡ ra mất tiêu. Sau này mới biết làm như vậy để người đến sau thấy thiếu lại mua nữa. Có người mua máy nước nóng đem đến, mấy bữa sau máy cũng biến mất. Bé mới hơn 1 tháng tuổi mà phải tắm nước lạnh”.

Những bất thường ở chùa Tiên Phước 2 - 3
Quà chất đống trong kho
 
Quá bức xúc, nhiều bạn đọc đứng đơn tố cáo cô Vân đánh đập các bé. Nghiêm trọng nhất là, lúc cho ăn, một số bé bị đè ngửa, kẹp hai tay lại và bóp mũi, đổ cháo vào miệng…

Đến những điều trái tai, gai mắt

Trước phản ánh gay gắt của bạn đọc, Dân trí vào cuộc và nhận thấy những phản ánh kể trên hoàn toàn có cơ sở.  Nhà chùa có đến hai nhà đối diện nhau, 1 tòa 3 tầng, 1 tòa 4 tầng nhưng cô Vân dồn tất cả các bé vào một phòng chật hẹp.  Chỉ có 2 bé nhỏ (Móm và Cún) được ở chung phòng với cô Vân, có máy lạnh và được chăm sóc tốt hơn các bé khác.

 Chị S., (bảo mẫu đã nghỉ việc) kể thêm nhiều điều về cô Vân như: mang tiếng là nuôi trẻ mồ côi nhưng hiếm khi cô tự tay chăm sóc trẻ. Chỉ khi có khách thăm thì cô mới giả vờ ôm trẻ rồi kể lể bệnh tình các bé.

Một bạn đọc cũng bức xúc: “Có hôm nghỉ làm, qua chăm sóc bé Hoa Quỳnh (bị bệnh tim). Tự nhiên bé tím tái hẳn đi. Sợ quá, năn nỉ cô cho bé đi cấp cứu nhưng cô Vân nhất quyết không cho…”.

Cô Vân cấm bảo mẫu ra khỏi cửa. Chị S.nói: “Bả thì đi tối ngày sáng đêm. Ra khỏi nhà, bả nhốt tụi tui như ở tù, không cho ra ngoài. Bả biểu tui có ai lại hỏi thì kể bệnh tụi nhỏ ra để người ta cho tiền”.

Hỏi về chùa, hàng xóm xung quanh tỏ vẻ sợ hãi. Họ từ chối phát biểu với lý do “ít có dịp tiếp xúc với cô Vân và cũng không hiểu chùa làm gì mà rất ít khi mở cửa…”

Các chị bảo mẫu đã từng làm tại chùa cũng tố cáo quà của các bé bị cô Vân quản rất chặt. Không cho các bé dùng, giấu kỹ trong nhà kho để lén bán lại vào ban đêm.

 Có dấu hiệu bạo hành?

Ngoài ra, cả bạn đọc lẫn các bảo mẫu còn phản ánh tình trạng các bé thường bị bạo hành. Bạn đọc P. kể “Từng thấy tận mắt sư cô nắm đầu “lên gối” vào mặt một bé trai”.

Bị bạo hành nhiều nhất là hai bé trai 13 tuổi tên Tiến và Thành. Chị S. kể, có lần cô Vân dùng chày đập vào đầu bé, làm lỗ tai bé chảy máu. Chị nói: “Thằng lớn thằng nhỏ gì bả cũng đánh. Đứa nào nghe bả gọi đến tên cũng run. Đánh riết làm như nó tửng tửng, nói chuyện nghe khùng khùng”.

Chị B. kể một lần cô Vân đánh bé Thành: “Cái đầu nó vầy nè, mà bả nắm cái chóp dập vô tường. Tụi tui ở trên lầu run lắm, nghe kình kình như là dừa khô”.

Những bất thường ở chùa Tiên Phước 2 - 4
Mặc cho quà các nhà hảo tâm gửi đến rất nhiều, các cháu cũng chỉ nằm trên nan giường

Cô Vân hay kể khổ “Vì thù lao hạn chế, công việc nặng nhọc nên các bảo mẫu thường bỏ việc”. Nhưng chị B. khẳng định, các bảo mẫu ra đi vì “thấy cô này đánh các bé ác quá, lại đối xử với người làm rất tệ bạc”.

Chị nói: “4, 5 người làm lận mà ai cũng sợ quá nên nghỉ hết. Có về quê kiếm thêm người vô cũng không ai dám. Tại nghe tiếng đồn bà Vân ác quá nên hổng dám lên làm”. Đến nay, vì quá bức xúc chị B., chị S. đều nghỉ làm.

Cô Vân liên tục than vãn chùa khó khăn, các bé đau ốm thường xuyên nên không có điều kiện chăm sóc. Nhưng thực tế, chùa có tiền để xây thêm tòa nhà ở miếng đất bên cạnh.

Một số người đề nghị được nhận con nuôi để chăm sóc các bé tốt hơn thì cô Vân nhất quyết không chịu. Cô khẳng định: “Nhà chùa chỉ nhận chứ không cho!”.

Tuy việc giúp đỡ, nuôi dưỡng các bé mồ côi của nhà chùa là tốt. Nhưng với những điều kiện nuôi dạy các bé như phản ánh thì thật đáng lo ngại.

Tại sao cô Vân cứ “khư khư” giữ các bé dù than vãn nhà chùa khộng đủ điều kiện chăm sóc? Như vậy có phải là xuất phát từ tình thương yêu các bé hay giữ những đứa trẻ đáng thương để kêu gọi lòng từ tâm của xã hội vì mục đích khác? Nhiều bạn đọc đứng đơn tố cáo: “Chúng tôi cho rằng đây là cơ sở nuôi trẻ mồ côi trá hình nhằm kêu gọi lòng hảo tâm để trục lợi cá nhân.Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng can thiệp để các bé được chăm sóc tốt hơn!”

Sáng 7/10, báo Dân trí đã chuyển tiếp đơn thư của bạn đọc đến Sở Lao động Thương binh Xã hội TPHCM. Ông Bùi Thanh Sơn, Phó chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH TPHCM nhận đơn và khẳng định "Sẽ nhanh chóng chuyển vụ việc lên ban lãnh đạo sở xem xét và giải quyết thỏa đáng".

Tùng Nguyên – Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm