1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa thống nhất tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm sau sáp nhập

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đến thời điểm này, tên gọi sau sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chưa thể thống nhất. Tại 2 địa phương này cũng chưa lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập.

Ngày 25/5, ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho biết hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi chưa thể tổ chức lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập do chưa thống nhất được tên gọi.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có 17 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập thành 8 đơn vị hành chính mới. Trong đó xã Quỳnh Đôi sẽ sáp nhập với xã Quỳnh Hậu.

Theo công văn của UBND huyện Quỳnh Lưu gửi Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An vào ngày 9/4, địa phương này đề xuất phương án đặt tên xã sau sáp nhập Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu là xã Đôi Hậu.

Chưa thống nhất tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm sau sáp nhập - 1

Làng Quỳnh Đôi, thuộc xã Quỳnh Đôi được biết đến là làng khoa bảng, phát triển... (Ảnh: M. Hùng).

Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng tình cao từ dư luận, đặc biệt là cử tri và người dân xã Quỳnh Đôi.

Quỳnh Đôi là tên làng, cũng chính là tên xã, gắn với biểu tượng về làng khoa bảng nổi tiếng của Nghệ An. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân, nhân sỹ yêu nước nổi tiếng như bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan...

Trong khi cử tri Quỳnh Đôi mong muốn giữ lại tên xã thì nhân dân Quỳnh Hậu cũng có mong muốn tương tự. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc đặt tên theo kiểu "ghép chữ" cơ học này.

Sau khi nắm bắt dư luận, UBND huyện Quỳnh Lưu đã làm việc với chính quyền hai xã. Phương án đặt tên mới sau sáp nhập cũng được đưa ra, với 3 cái tên để lựa chọn, gồm xã Quỳnh An, Quỳnh Hương và Quỳnh Phú.

Theo phương án mới, các tên gọi sau sáp nhập đều giữ chữ Quỳnh - là tên chung của hai xã và của huyện; đồng thời mang ý nghĩa về sự bình an, trù phú, với mong muốn nhân dân hai địa phương đoàn kết, cùng phát triển.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Đức Hữu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu, cho rằng cái tên Quỳnh An có ý nghĩa. Phía xã Quỳnh Hậu đồng tình với phương án này và đề nghị UBND huyện báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh Nghệ An về tên gọi mới để đưa vào quy trình lấy ý kiến, vận động người dân chọn tên gọi Quỳnh An sau sáp nhập.

Chưa thống nhất tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm sau sáp nhập - 2

Xã Quỳnh Hậu là xã anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là 1 trong 6 xã văn hóa đầu tiên của tỉnh Nghệ An (Ảnh: M. Hùng).

Trong khi đó, lãnh đạo xã Quỳnh Đôi không bình luận và cho biết "chưa có gì mới để thông tin" khi phóng viên hỏi về đề xuất phương án 3 tên gọi mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, có 15 xã, thị trấn đã tổ chức lấy ý kiến cử tri với sự tham gia của hơn 62.000 người. Riêng hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu chưa tổ chức lấy ý kiến của cử tri do chưa thống nhất được tên gọi sau sáp nhập.

Trong số cử tri tham gia lấy ý kiến có gần 61.900 người đồng ý với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉ lệ 99,74%. 15/15 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập đã tổ chức kỳ họp HĐND chuyên đề để thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu HĐND cấp xã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Ngày 22/5 vừa qua, HĐND huyện Quỳnh Lưu khóa XX tổ chức kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) để thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, giai đoạn 2023-2025. Các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thông qua nghị quyết, với tỷ lệ tán thành 100%.

Theo Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, đối với hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện đang chờ ý kiến của nhân dân và xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An, HĐND cấp huyện phải hoàn thành phiên họp bỏ phiếu thống nhất về đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 5.

HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 10/6; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án trình Chính phủ trước ngày 15/6 để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt.