1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chưa thể “bốc thuốc” chữa bệnh cháy nổ ô tô, xe máy”

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ cháy nổ xe máy, ô tô xảy ra tại Hà Nội và TPHCM, đa số đều là xe đắt tiền mang thương hiệu lớn. Trong khi việc tìm nguyên nhân vẫn đang rối như tơ vò thì Cục Đăng kiểm cho biết không có điều kiện tiếp cận từng vụ việc.

Nhiều luồng ý kiến từ phía người sử dụng phương tiện tỏ ý lo ngại do lỗi của nhà sản xuất, có ý kiến lại cho rằng do công tác kiểm định chưa chặt chẽ và chất lượng xăng dầu... PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - xung quanh vấn đề này.

Với vai trò là Cục phó Cục Đăng kiểm, ông nhìn nhận như thế nào về những vụ xe máy, ô tô bỗng dưng bốc cháy vừa qua? Tại sao lại có hiện tượng cháy xe liên tục như vậy?

Hiện tượng ô tô, xe máy bị cháy nổ không phải là điều hiếm gặp trên thế giới. Ví dụ: theo thông báo của Công ty bảo hiểm AAA thì riêng năm 2004, ở Mỹ đã xảy ra 266.000 vụ liên quan tới cháy xe ô tô và làm chết 520 người. Cũng theo thống kê thì tại Anh, mỗi năm, cứ 1.000 xe đăng ký lại có 2 xe bị cháy, nổ...
 
“Chưa thể “bốc thuốc” chữa bệnh cháy nổ ô tô, xe máy” - 1
Ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân của những vụ việc nói trên chưa, thưa ông?

Gần đây đã xảy ra một số vụ cháy nổ xe. Tuy nhiên, do không có chức năng điều tra tai nạn, cháy nổ xe nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chúng tôi không có điều kiện tiếp cận với xe cháy và nhân chứng để kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân gây cháy xe.

Xác định chính xác nguyên nhân thì mới có được biện pháp hữu hiệu để hạn chế cháy nổ xe. Cũng giống như chữa bệnh, chưa xác định được căn nguyên của bệnh mà đã kê đơn thuốc và đưa ra phác đồ điều trị thì chỉ là chữa mò, người bệnh vừa mất nhiều tiền, vừa mất thời gian mà bệnh lại không khỏi.

Xin ông cho biết thông thường những nguy cơ nào dễ gây cháy nổ ô tô, xe máy?

Về góc độ kỹ thuật, trong thực tế có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới cháy, nổ xe như: Cháy nổ do nhiên liệu bị rỏ rỉ, bị trào vào các bộ phận phát tia lửa điện (không thực hiện tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa xe định kỳ; dùng xăng pha không đúng tiêu chuẩn làm hỏng ống cao su dẫn xăng...).

Phương tiện có nguy cơ bị cháy nổ do cháy, chập hệ thống điện do tự ý thay đổi kết cấu, trang bị điện của xe (lắp thêm còi, đèn... ); do chuột cắn dây dẫn điện; do sử dụng phụ tùng, dây dẫn điện không rõ nguồn gốc; do sửa chữa, đấu nối điện không đúng kỹ thuật.

Ngoài ra có những nguyên nhân gây cháy khác như do ống xả của xe tiếp xúc trực tiếp với vật liệu dễ cháy trên đường như túi nilon, rơm rạ và một nguyên nhân nữa là cháy nổ do va chạm, đâm, đổ xe…

Trong các nguyên nhân này, nguyên nhân thứ 2 và 3 là tương đối phổ biến.
 
“Chưa thể “bốc thuốc” chữa bệnh cháy nổ ô tô, xe máy” - 2
Hiện trường vụ cháy xe SH tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai (Hà Nội)

Quy trình kiểm định phương tiện trước khi đưa ra thị trường được thực hiện như thế nào thưa ông?

Việc kiểm tra xe mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp được thực hiện theo quy trình được quy định cụ thể tại Quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất xe mô tô, xe gắn máy ban hành kèm theo Quyết định số 58/2007/QĐ-BGTVT và Thông tư số 29/2011/TT-BGTVT của Bộ trưởng, Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, nếu chiếc xe mẫu được kiểm tra, thử nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và kết quả của việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất phù hợp với quy định thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận cho kiểu loại xe đó.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận.

Định kỳ hàng năm, Cục sẽ kiểm tra việc duy trì hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất và kiểm tra sác xuất xe lắp ráp trên dây chuyền so với tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông có cảnh báo và khuyến cáo gì đối với nhà sản xuất, người sử dụng phương tiện để tránh xảy ra những sự cố cháy, nổ xe như thời gian vừa qua?

Để đề phòng chống cháy nổ xe, người sử dụng xe cần tuyệt đối không lắp đặt thêm các thiết bị khác so với xe do nhà sản xuất chế tạo; định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa xe theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất tại các cơ sở sửa chữa có kinh nghiệm, uy tín.

Không sử dụng nhiên liệu, phù tùng... không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng ngày cần kiểm tra sơ bộ tình trạng các bộ phận chính liên quan đến an toàn như phanh, rò rỉ nhiên liệu, điện... của xe trước khi tham gia giao thông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Liên quan đến những vụ nổ xe máy của Honda Việt Nam gần đây, sáng 22/12, ông Koji Onishi - Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cho biết: “Với một số xe máy bị cháy một phần, sau khi kiểm tra chúng tôi kết luận nguyên nhân gây cháy không phải do chất lượng và đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Với những xe đã cháy hoàn toàn chúng tôi không xác định được nguyên nhân”.

Cũng theo ông Koji Onishi, Honda Việt Nam đã cố gắng xác nhận tất cả các trường hợp sớm nhất có thể và Honda Việt Nam nhận thấy không phải tất cả trong số này đều là xe của Honda. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này công ty vẫn chưa tìm ra vấn đề kỹ thật nào của sản phẩm có thể dẫn đến những trường hợp cháy nổ đã nêu.

Quỳnh Anh