1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần làm rõ từng vụ cháy, nổ xe để có cách phòng tránh

(Dân trí) - “Có hàng nghìn nguyên nhân gây cháy cả ô tô cũ lẫn mới. Tuy nhiên, sự việc xảy ra liên quan đến sinh mạng người dân, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt điều tra nguyên nhân từng vụ cháy để đưa ra biện pháp phòng ngừa”.

Đó là quan điểm của Trưởng Khoa Công nghệ ô tô (Đại học Công nghiệp Hà Nội) Lê Hồng Quân khi trao đổi với phóng viên Dân trí về hàng loạt vụ cháy ô tô trong khoảng thời gian ngắn vừa qua. Theo Tiến sĩ Lê Hồng Quân, nguyên nhân chính là do chập điện và người dân không nên lắp thêm những thiết bị gây ảnh hưởng đến nguồn điện của ô tô, xe máy.

Trong thời gian ngắn có tới hàng chục vụ cháy ô tô từ hãng xe có tiếng đến “bình dân”. Là người hiểu rất rõ nguyên lý hoạt động của ô tô, ông có thấy điều gì bất thường không?

Trước hết, cháy là phải có nguồn gây cháy và chất để cháy. Đối với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu, khí gas đốt trong, chỉ cần một tia lửa điện nhỏ hoặc chúng nóng quá nhiệt độ giới hạn thì dẫn tới cháy.
 
Cần làm rõ từng vụ cháy, nổ xe để có cách phòng tránh - 1
Trưởng khoa Công nghệ ô tô (ĐH Công nghiệp) Lê Hồng Quân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy ô tô, như thời tiết, người dân lắp thêm các thiết bị không đảm bảo, sửa chữa không đúng kỹ thuật… Nhưng theo tôi nguyên nhân chủ yếu là do tia lửa điện (nguồn điện trong ô tô) đánh ra bên ngoài gặp chất cháy như xăng, dầu thì ngọn lửa sẽ bùng phát.

Còn chập cháy thế nào thì cũng dễ giải thích vì toàn bộ khung xe, vỏ xe là nguồn dẫn điện âm. Điện dương nằm trong hàng trăm mét dây điện nối với nguồn cháy. Khi đường dây điện không đảm bảo chất lượng hoặc khi sửa chữa mối nối dây điện không đúng kỹ thuật gây ra chập điện dẫn đến cháy ô tô. Về mùa đông động cơ sau khi hoạt động rất ấm, thu hút lũ chuột vào làm tổ, phá phách đường dây điện cũng có thể là nguyên nhân gây chập cháy.

Nhiều trường hợp ô tô, xe máy mới cũng bị cháy, theo ông có phải do lỗi kỹ thuật ngay từ giai đoạn đầu sản xuất?

Cháy ô tô, chủ yếu là xe cũ đã qua sửa chữa nhiều lần. Còn xe mới thì hàng triệu chiếc mới gặp một trường hợp. Xe sản xuất theo một quy chuẩn nhất định nên rất ít khi bị lỗi dẫn đến cháy. Bởi vì khi thử xe người ta đã chạy quá tải nếu các chi tiết không đảm bảo sẽ hỏng ngay lúc đó.

Còn nếu có xe không đảm bảo chất lượng ngay từ giai đoạn đầu sản xuất mà vẫn được hoạt động ngoài thị trường thì đó là chuyện của ngành đăng kiểm. Khi phát hiện phải có ban kiểm tra đánh giá thế nào và phải có biện pháp xử lý nghiêm với dòng xe trôi nổi này.

Có đến vài chục vụ cháy nổ ô tô, xe máy trong thời gian qua nhưng tìm ra nguyên nhân thì lại đếm trên đầu ngón tay. Liệu có quá khó khi tìm nguồn gốc vấn đề không, thưa ông?

Như tôi đã phân tích, có hàng trăm, nghìn nguyên nhân dẫn đến cháy xe. Khi đánh giá từng vụ cháy cụ thể, cơ quan chức năng phải lọc ra từng nguyên nhân như do con người, do kỹ thuật hay do yếu tố ngoại cảnh để phân vùng.
 
Cần làm rõ từng vụ cháy, nổ xe để có cách phòng tránh - 2
Xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên bị cháy ngày 19/12

Cháy nổ ô tô, xe máy liên quan đến sự an toàn tính mạng người dân. Theo tôi cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa tìm thật kỹ nguyên nhân để người dân chú ý khắc phục lỗi. Bằng mắt thường có thể xác định được một số nguyên nhân nhưng cơ quan chức năng vẫn cần phải có những thiết bị chuẩn để kiểm tra, đánh giá từng vụ cháy.

Phong trào lắp thêm các thiết bị vào ô tô, xe máy liệu có ảnh hưởng đến việc cháy nổ, thưa ông? Chúng ta cần phải có quy định, quy trình cụ thể để kiểm định việc này không?

Việc lắp đặt thêm các thiết bị ảnh hưởng lớn đến nguồn điện của xe. Thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đảm bảo cho xe hoạt động trong điều kiện bình thường với các thiết bị nguyên bản của xe. Khi lắp thêm thiết bị dẫn tới việc nguồn điện quá tải có thể gây cháy xe.

Còn quy trình kiểm định thì có nhưng quan trọng là thực hiện nó hay không. Ai cũng nói hay, ai cũng nói làm thế này, làm thế khác nhưng đến khi thực hiện thì bỏ sót rất nhiều. Xe máy thì người dân chỉ nổ máy là đi. Còn ô tô thì còn có một vài quy trình như kiểm tra xăm lốp, nước làm mát máy và điện thế nào…
 
Nếu chất lượng xăng không đảm bảo thì sao thưa ông?

Xăng kém chất lượng không phải là nguyên nhân gây cháy nổ, mà nó chỉ ảnh hưởng đến công suất hoạt động của máy.

Nhiều người cho rằng, xăng dầu pha thêm chất phụ gia có thể dẫn tới việc giảm tuổi thọ hệ thống ống dẫn khiến rò rỉ xăng?

Cái đó trên thế giới được thử nghiệm nhiều, không phá người ta mới cho dùng, còn nếu phá thì đã không cho dùng.Việc xăng rò rỉ ra bên ngoài có thể là do xe cũ, đường dẫn nhiên liệu không đảm bảo hoặc quá trình sửa chữa, lắp đặt hệ thống ống dẫn không khít, khiến xăng tiếp xúc với nguồn điện dẫn đến cháy xe.

Vậy theo ông làm thế nào để người dân tránh được tình trạng cháy nổ xe như hiện nay?

Người điều khiển phương tiện phải biết “lắng nghe” để thấy được những hiện tượng bất thường như thấy mùi khét, mùi xăng sống, rung giật bất thường của xe… lúc đó phải đưa vào cửa hàng sửa chữa để tìm ra nguyên nhân. Hơn nữa, người dân cũng không nên lắp thêm các thiết bị vào xe mà nên sử dụng nguyên bản.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong