1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa “ai” nhận trách nhiệm vụ sập nhà ở Bình Dương

(Dân trí) - Ngày thứ 3 sau vụ sập nhà kinh hoàng làm 3 người chết, 9 người bị thương, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã lập đoàn thanh tra xuống hiện trường. Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thiết kế một đằng xây dựng một nẻo
 
Căn nhà 1 trệt 4 lầu do bà Vũ Thị Tẩm làm chủ đầu tư đồng thời là chủ nhà nằm trong khu quy hoạch nhà ở Sóng Thần II, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An thuộc Công ty Đại Nam quản lý.
 
Chưa “ai” nhận trách nhiệm vụ sập nhà ở Bình Dương - 1
Ông Bùi Thái Dũng - Đội trưởng thanh tra xây dựng tỉnh Bình Dương đang mô tả lại thế đứng của căn nhà.
 
Theo hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công của công trình thì đây là căn hộ gia đình thuộc lô D2 ô số 22 - 40 khu phố Thống Nhất với diện tích 5 x 30. Trong bản vẽ của hồ sơ thiết kế do Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng & dịch vụ Dương Minh Đức, căn nhà này sẽ được xây dựng với 1 trệt 2 lầu và mái tôn che sân thượng.
 
Trong Quy chế của UBND tỉnh Bình Dương ban hành theo Quyết định số 17/2006 QĐ-UBND ngày 16/1 năm 2006 về quản lý xây dựng khu nhà ở Sóng Thần II thì: Các căn phố liên kế thuộc các lô P1; P2; D1; D2; D3; D4; D5 cho phép tầng cao xây dựng 1 trệt, 1 lầu đến 3 lầu và các căn hộ này được miễn cấp phép xây dựng.
 
Quy chế cho phép xây dựng tối đa như vậy nhưng trên thực tế căn nhà đã đổ sụp được ngang nhiên xây dựng với 1 trệt 4 lầu. Điều đáng nói ở đây là sự khập khiễng giữa bản vẽ thiết kế chỉ có 1 trệt 2 lầu và thực tế xây dựng 1 trệt 4 lầu của căn nhà này.
 
Theo những người dân địa phương: Căn nhà của vợ chồng bà Tẩm được xây rất mong manh, phía mặt tiền được thiết kế theo bề ngang 30m của căn nhà. Bắt đầu từ lầu 1 căn nhà này đã lấn chiếm hơn 1m không gian của tuyến đường ngang chạy trước mặt tiền.
 
Một thợ hồ gặp nạn là anh Nguyễn Đình Hiểu, người trực tiếp làm việc trong căn nhà, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Quân đoàn 4 cho biết: “Khi căn nhà xây dựng xong lầu 3 thì bà Tẩm đăng kí dịch vụ Karaoke gia đình ở lầu 2 nên đã cho xây thêm tường cách âm tại lầu này đồng thời triển khai xây dựng tiếp 3 phòng trên lầu 4.
 
Khoảng 1 tuần, trước khi căn nhà bị sập anh em tôi đã phát hiện toàn bộ 4 lầu của căn nhà đã bị nứt ở ngang đà. Ngày 18/12, bà Tẩm đã gọi chủ thầu lên chỉ từng vết nứt nhưng không thấy có biện pháp khắc phục nào cho đến khi căn nhà đổ sụp xuống…”.
 
Ai là người chịu trách nhiệm?
 
Sự việc nghiêm trọng đã xảy ra tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm.
 
Chưa “ai” nhận trách nhiệm vụ sập nhà ở Bình Dương - 2
Nguyên nhân nhà sập và trách nhiệm của tổ chức cá nhân còn phải chờ phán quyết của pháp luật sau kết quả của đoàn thanh tra.
 
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thái Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng tỉnh Bình Dương về vấn đề sai phạm của công trình, được biết: “Đây là phần đất thuộc quyền quản lý của Công ty Đại Nam. Suốt quá trình xây dựng căn nhà này chúng tôi không hề nhận được bất kỳ bản báo cáo nào. Phía thanh tra xây dựng tỉnh không có quyền kiểm tra vì thẩm quyền này thuộc về Đại Nam”.
 
Ông Dũng cho biết thêm: “Quy chế 1/500 về việc xây dựng nhà ở trong khu dân cư đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác thanh tra. Trước sự việc đau lòng này tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần có những điều chỉnh lại cho phù hợp”.
 
Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hoàng Thanh, đại diện của Công ty Đại Nam về trách nhiệm như thế nào trước vụ việc này thì được biết: “Ngay sau khi xảy ra vụ việc phía Công ty đã có mặt ở hiện trường. Công ty chúng tôi đã thực hiện theo đúng quy chế của tỉnh đã đề ra. Nếu có sai phạm nào chúng tôi sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm”.
 
Ông Thanh từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo của PV.
 
Theo chương III Quy chế: Các quy định về thủ tục quản lý và xây dựng nhà ở thì phía chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra việc xây dựng, quản lý trật tự trong quá trình xây dựng. Phía đơn vị thi công phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn khi thi công. 
 
Còn về phía Cơ quan quản lý nhà nước và địa phương thì: “Kiểm tra định kỳ 2 tuần/1 lần quá trình xây dựng trong khu nhà ở. Nếu phát hiện sai phạm phải lập biên bản ngay tại hiện trường và buộc chủ đầu tư tạm ngưng thi công chờ xử lý của cấp có thẩm quyền”.
 
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc tòa nhà biến thành đống gạch vụn chỉ trong nháy mắt? Trách nhiệm thuộc về ai? Điều đó vẫn còn phải chờ đến phán quyết cuối cùng của pháp luật dựa theo kết luận của đoàn thanh tra.
 
Vân Sơn - Trung Kiên