1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch TPHCM bức xúc vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước

(Dân trí) - Người dân than phiền mùi hôi từ bãi rác Đa Phước (xử lý 5.000 tấn/ngày) nên Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thúc đẩy nhà máy thay đổi ứng dụng công nghệ xử lý rác. “Sở Tài nguyên – Môi trường phải quyết liệt, phải ra đầu bài cho người ta, nếu không ứng dụng công nghệ thì đình chỉ hoạt động. Cứ dễ dãi như thế này là không được”, ông Phong bức xúc.

Sáng 19/7, tại cuộc họp kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bức xúc vì người dân thành phố than phiền mùi hôi từ các nhà máy xử lý rác thải nhưng các đơn vị lại chậm trễ trong thay đổi, ứng dụng công nghệ. Trong khi đó, nhà máy xử lý rác hiện đại – biến rác thành điện - kêu gọi đã 2 năm mà vẫn chưa thể triển khai.

Chủ tịch TPHCM bức xúc vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước - 1

Đường vào bãi rác Đa Phước huyện Bình Chánh

Ông Phong cho biết TP Cần Thơ đã triển khai được nhà máy xử lý rác hiện đại – đốt rác phát điện. “Người ta có nói gì nhiều đâu mà đã xây dựng nhà máy, còn mình nói rất nhiều nhưng đến nay đã 2 năm rồi mà chưa có”, ông Phong nói.

Nói về các nhà máy xử lý rác thải tại TPHCM, ông Phong cho rằng nhà máy Đa Phước phải ứng dụng công nghệ mới ngay để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

“Người dân than phiền rất nhiều mà chậm trễ. Riêng vụ này thì Sở Tài nguyên – Môi trường phải quyết liệt, phải ra đầu bài cho người ta, nếu không ứng dụng công nghệ thì đình chỉ hoạt động. Cứ dễ dãi như thế này là không được”, ông Phong gay gắt.

Theo ông Phong, cư dân Phú Mỹ Hưng tiếp tục phản ánh mùi hôi ở Đa Phước, còn cán bộ lão thành cũng phản ánh mùi hôi ở các bãi rác huyện Củ Chi.

Chủ tịch TPHCM bức xúc vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước - 2

Với công nghệ chôn lấp, bãi rác Đa Phước phát mùi hôi ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân

Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện TP có 3 nhà máy xử lý rác với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (bãi rác Đa Phước) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar (huyện Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng cách đốt (không phát điện) và làm phân compost.

Theo ông Thắng, mục tiêu của TP đến năm 2020 là giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%. Hiện, nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar xin giấy phép xây dựng để hình thành 2 nhà máy mới dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn, dự kiến cuối năm nay khởi công.

Riêng bãi rác Đa Phước, ông Thắng cho biết chủ đầu tư nhà máy cũng cam kết chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày sang hình thức đốt, thu khí gas.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới, ông Thắng cho biết sẽ tham mưu UBND rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu đến quý 2/2020 đấu thầu làm nhà máy xử lý 2.000 tấn rác.

Chủ tịch UBND TP cho rằng phát biểu của Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường là cam kết với hội nghị. Nếu còn kéo dài thì người dân rất phản ứng. “Phải quyết liệt, vì đây là giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân”, ông Phong nói.

Quốc Anh