Chủ tịch Quốc hội "hết sức sốt ruột" vì chống lãng phí rất chậm

Hoài Thu

(Dân trí) - Dẫn thực tế Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bỏ hoang nhiều năm trong khi người dân miền Tây phải ùn ùn lên TPHCM chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội nói ông "hết sức sốt ruột" khi chứng kiến.

Phát biểu tại tổ chiều 14/2 về bổ sung mục tiêu tăng trưởng trên 7% trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là mục tiêu rất quan trọng để giai đoạn 2026-2030 mới có thể tăng trưởng hai con số.

Cho biết Chính phủ đã bàn với các địa phương tìm giải pháp, theo ông Mẫn, chưa năm nào Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho 63 tỉnh, thành.

"Tắc đến đâu thông đến đó"

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ rất quan tâm giải quyết nguồn lực lãng phí như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục không sử dụng, tài sản tranh chấp trong các vụ án kéo dài.

Ông Mẫn cho biết Quốc hội đã đồng ý cơ chế thí điểm giải quyết ở Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản để tăng nhanh nguồn cung.

Chủ tịch Quốc hội hết sức sốt ruột vì chống lãng phí rất chậm - 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ rất sốt ruột khi việc chống lãng phí được thực hiện chậm (Ảnh: Hồng Phong).

"Đây là chủ trương rất đúng, song để biến thành hiện thực còn nhiều việc phải làm", Chủ tịch Quốc hội nói. Ông chia sẻ doanh nghiệp xây dựng, bất động sản rất trông chờ địa phương hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Quốc hội đã ban hành luật, nghị quyết, Chính phủ đã ban hành nghị định, thông tư nên giờ phải quyết tâm làm.

"Khó đến đâu, chúng ta tháo đến đó, tắc đến đâu thông đến đó", Chủ tịch Quốc hội quán triệt, song ông lưu ý thêm có địa phương phát triển rất nhanh, nhưng có địa phương rất chậm, chưa làm đã kêu khó.

Đề cập đến chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội nhận định việc xử lý rất chậm. Ông dẫn chứng như Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, 7 năm triển khai xây dựng nhưng giờ không hoàn thiện, không đưa thiết bị vào, bỏ hoang. Trong khi đó, người dân miền Tây phải ùn ùn lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM dẫn đến bệnh viện này quá tải.

"Tôi đến mấy lần, nhìn thấy hết sức sốt ruột", Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải đi vào từng vấn đề để tháo gỡ thì mới nhanh được.

Một giải pháp khác cho tăng trưởng, theo ông Mẫn, là thúc đẩy kinh tế tư nhân, bởi trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%.

"Quan trọng nhất là cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy Chính phủ thực sự mở cửa, mong chờ nhà đầu tư đến đầu tư và họ bỏ tiền đầu tư có hiệu quả", ông Mẫn nói.

Ông cũng chia sẻ Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi các luật theo hướng phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương trong ban hành chính sách.

Còn rất nhiều dư địa và tiềm năng cho tăng trưởng

Ở tổ thảo luận khác, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng làm rõ hơn về mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Thực tế, ông nhận định mức tăng trưởng năm 2024 đạt 7,09% đã rất cao và còn rất nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hết.

Đề cập những yếu tố tác động đến tăng trưởng, ông Phớc kể đến sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, song ông nhấn mạnh 2 vấn đề quan trọng nhất là đầu tư và xuất khẩu.

Chủ tịch Quốc hội hết sức sốt ruột vì chống lãng phí rất chậm - 2

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 14/2 (Ảnh: Minh Châu).

Trong yếu tố về đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư công. Ông phân tích những năm gần đây, đầu tư công tăng liên tục. Năm 2025, đầu tư công bố trí tăng lên so với năm 2024 khoảng 108.000 tỷ đồng, cộng với vượt thu ngân sách khoảng 331.000 tỷ đồng. Sau khi trích cho phần cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỷ để bổ sung vào đầu tư của năm 2025.

"Như vậy, đầu tư năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng. Đây là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng", ông Phớc nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề cập đến giải pháp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu hoàn thành thêm 1.000km đường cao tốc trong năm nay, để đến 2030 đạt 5.000km đường cao tốc.

Ông Phớc kỳ vọng những yếu tố này sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng GDP.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư tư nhân cũng rất quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng.

Về xuất khẩu, ông Phớc cho rằng vừa phải giữ thị trường cũ như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, đồng thời phải mở rộng thị trường mới để thúc đẩy sản xuất, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường các nước.

Với hệ thống giải pháp đề ra, Phó Thủ tướng tin tưởng mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa.