Chủ tịch Quốc hội: Ai có quyền “gợi ý” cán bộ từ chức?
(Dân trí) - “Sau khi có kết quả lấy phiếu, dù tín nhiệm thấp nhưng vẫn đạt tỷ lệ quá bán, ai có tư cách để trao đổi, “khuyên” cán bộ hãy từ chức?”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi khi bàn quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
UB Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, về báo cáo và trách nhiệm giải trình của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định một số nội dung phải thể hiện. Theo đó, cán bộ được lấy phiếu đưa ra đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực phụ trách; khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, điều hành công việc phụ trách theo thẩm quyền; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.
Người được lấy phiếu tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống thể hiện ở việc thực hiện các quy định của Luật cán bộ, công chức về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, những điều cán bộ, công chức không được làm và các quy định khác về chuẩn mực đạo đức có liên quan.
Ngoài ra, trong trường hợp nhận được yêu cầu bằng văn bản do đại biểu Quốc hội chuyển đến đề nghị làm rõ thêm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và gửi đến đại biểu có yêu cầu.
Nghị quyết hướng dẫn cũng quy định, chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, nếu đại biểu thấy cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến cán bộ đó thì có quyền đề nghị UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản cho đại biểu. Trường hợp chưa xác minh được, các cơ quan này phải báo cáo UB Thường vụ Quốc hội cho trả lời trong thời gian gần nhất trước ngày lấy phiếu tín nhiệm lần sau.
Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Nghị quyết này của UB Pháp luật cho biết, có đại biểu đề xuất quy định rõ thời gian (3 ngày trước ngày lấy phiếu) người được lấy phiếu phải gửi bản giải trình đến đại biểu có yêu cầu.
Ngoài ra, 1 thành viên UB Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất, trường hợp có thông tin dư luận đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, người được lấy phiếu, bỏ phiếu cũng cần giải trình về các nội dung này.
Kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu sẽ được công bố trong Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội ghi rõ các thông số: xác định những người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp; quyết định thời gian sẽ tổ chức bỏ phiếu với người có trên 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp hoặc 2 năm liên tiếp có tỷ lệ lấy phiếu không quá bán.
Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu cần ghi rõ thời gian bỏ, xác định người có quá nửa tổng số đại biểu không tín nhiệm, cần trình Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.
Hướng dẫn quy trình từ chức, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, người xin từ chức cần có đơn gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu này sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Đây là nội dung còn nhiều tranh luận trong các thành viên UB Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Sau khi có kết quả lấy phiếu, dù tín nhiệm thấp nhưng vẫn đạt tỷ lệ quá bán, cơ quan nào, cá nhân nào có tư cách để trao đổi với cán bộ đó, “khuyên” hãy từ chức đi?”. Việc này dù tế nhị, ông Hùng cho rằng vẫn cần hướng dẫn, quy định cụ thể.
Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đặt vấn đề, kết quả lấy phiếu, nếu cán bộ bị 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp cần đưa ra bỏ phiếu ngay, không nên dời việc bỏ phiếu sang kỳ họp tiếp theo bởi mỗi năm Quốc hội chỉ tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tại kỳ họp đầu tiên, lùi lại nghĩa là phải chậm thêm 1 năm nữa trong khi uy tín của cán bộ đó đã thấp, không thể làm việc được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng phân tích, Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu vẫn “bỏ ngỏ” trường hợp này. Đề xuất bỏ phiếu ngay của bà Nương, ông Lưu cho là hợp lý nhưng vẫn băn khoăn việc chuẩn bị nhân sự thay thế trong trường hợp này vì khi lấy phiếu mà tỷ lệ tín nhiệm thấp như vậy, các cơ quan tổ chức sẽ ở thế “bị động” về khâu chuẩn bị nhân sự thay thế.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý kiến nghị nghiên cứu cách thức lấy phiếu, bỏ phiếu thế nào để không tạo nên không khí căng thẳng, nặng nề về việc này.
Với câu hỏi về trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức vụ, cần lấy phiếu với tư cách nào, ông Lý trả lời “chỉ tổ chức lấy phiếu với chức danh cao nhất”. Khi đánh giá cán bộ ở chức danh đó, đại biểu cũng xem xét luôn việc thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Ví dụ trường hợp Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng một Bộ cụ thể (cả 2 chức danh đều do Quốc hội công nhận), ông Lý khẳng định, vẫn chỉ lấy phiếu một lần với chức danh cao nhất, dù trong phiếu tín nhiệm vẫn ghi đầy đủ các chức vụ cán bộ đó đảm nhiệm.
P.Thảo