1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chủ tịch nước: Không để lợi ích nhóm chi phối trong xét xử

Sáng 15/7, làm việc với ngành Tòa án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người, phải bảo vệ quyền lợi ích của nhà nước và của công dân. Đây là hai mặt cần được coi trọng chứ không chỉ coi trọng lợi ích nhà nước mà không coi trọng lợi ích của công dân”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Khang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Khang
 
Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Tòa án trong 6 tháng đầu năm đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục.

 

Theo Chủ tịch nước, ngành Tòa án cần đặc biệt chú ý phát huy vai trò Tòa án là cơ quan xét xử, là trung tâm của hoạt động tư pháp, cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân. Chủ tịch nước cũng cho rằng, cán bộ ngành Tòa án phải thật sự mẫu mực, làm gương cho mọi người. Nhưng nếu có vi phạm, phải xử lý thật nghiêm minh.

 

“Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người, vừa bảo vệ quyền lợi ích của nhà nước đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đây là hai mặt cần được coi trọng chứ không chỉ coi trọng lợi ích nhà nước mà không coi trọng lợi ích của công dân.

 

Tòa án là cơ quan được nhân dân giao phó thực hiện phán quyết việc tranh tụng, không thể xét xử các doanh nghiệp nhà nước nhẹ tay còn dân hay doanh nghiệp tư nhân thì làm triệt để. Điều này không thể chấp nhận được.

 

Nếu ai còn tư tưởng này phải thay đổi thì dân mới phục, mới nghe. Hai bên cùng sai mà xử dân nặng hơn xử doanh nghiệp nhà nước nhẹ hơn cũng không được. Bất kể là quốc doanh hay tư nhân, trước tòa đều phải bình đẳng. Đây là tư tưởng định hướng lớn, phải cố gắng để làm tốt”, Chủ tịch nước nêu rõ. Theo Chủ tịch nước, cán bộ ngành Tòa án phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

 

Đánh giá cao ngành Tòa án kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, Chủ tịch nước cho biết, dư luận còn băn khoăn, lo lắng bởi nạn tham nhũng vẫn còn bức xúc, chưa được đẩy lùi. “Tôi thấy một điều rất buồn là trong lúc GDP tăng trưởng khó khăn thì bậc tham nhũng của ta được đánh giá không giảm, mà lại có xu hướng tăng lên.

 

Đây là điều rất đáng xấu hổ. Nếu GDP tăng thì đời sống phải tăng lên, người dân phải hạnh phúc hơn”, Chủ tịch nước nhìn nhận.

 

Chủ tịch nước đánh giá tỷ lệ bị cáo phạm tội tham nhũng được Tòa án cho hưởng án treo giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước là thể hiện sự nghiêm minh. Nhưng cũng phải kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối trong xét xử, có như vậy mới góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lấy lại lòng tin trong nhân dân. Ngành Tòa án còn phải tiếp tục phấn đấu, khắc phục các vụ án oan sai theo Luật Bồi thường nhà nước. Nếu có lỗi, có khuyết điểm thì phải nhận, phải công khai khuyết điểm, nhưng không phải nhận rồi để đó mà phải sửa cho bằng được.

 

Theo Chủ tịch nước, thời gian tới, ngành Tòa án cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, theo tinh thần Hiến pháp mới, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, tăng cường đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại tòa, đảm bảo sự độc lập, công khai, minh bạch trong xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

 

Chủ tịch nước căn dặn, cán bộ ngành Tòa án phải hết sức gương mẫu, công tâm, tránh vi phạm pháp luật để làm gương cho nhân dân. “Cán bộ tòa án là người cầm cân nảy mực, thay mặt nhà nước xét xử người khác, đòi hỏi phải thật sự gương mẫu, giữ gìn uy tín của mình, cũng là giữ gìn uy tín của Đảng, của Nhà nước. Trách nhiệm đó rất lớn. Nhưng nếu có vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm minh”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 

Giảm 50% án treo tội tham nhũng

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động của các tòa án tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các mặt, trọng tâm là xét xử các loại vụ án. Việc phạt tù cho hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cơ bản đúng pháp luật; tỷ lệ bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. 

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng số bản án, quyết định bị hủy chưa giảm mạnh, thủ tục hành chính tư pháp còn nhiêu khê gây khó cho người dân; vẫn còn trường hợp cán bộ vi phạm đạo đức, kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật. Để nâng cao chất lượng xét xử, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá: Thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; tăng cường tổng kết công tác thực tiễn xét xử đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.
 

 

Theo Nguyễn Tuấn

Tiền Phong