Chủ tịch nước: Bình Định cần tránh phát triển "nóng vội", phá vỡ quy hoạch
(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Bình Định phải biết rút kinh nghiệm những sai lầm của một số địa phương tăng trưởng "nóng vội" khiến quy hoạch bị phá vỡ.
Ngày 15/2, tại TP Quy Nhơn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay, trong năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, với 15/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (tỷ lệ tăng 3,45%) và bình quân chung của cả nước (tỷ lệ tăng 2,58%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục triển khai quyết liệt; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới, Bình Định cần có sự đột phá hơn nữa, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực để phát triển song song với đảm bảo phát triển bền vững, không được phát triển nóng vội, phải biết rút kinh nghiệm một số tỉnh miền Trung như: Khánh Hòa, Đà Nẵng hay như Bình Thuận.
Việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân.
"Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định năm trụ cột, ba đột phá trong phát triển là đúng đắn. Tôi đề nghị thêm một đột phá nữa là Bình Định đột phá trong phát triển đô thị", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, tư duy phát triển nông nghiệp Bình Định cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới. Sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á.
Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến sự hài hòa giữa các vùng miền trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự phát triển cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giải phóng mặt bằng.
Bình Định cũng cần chú ý tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, quan tâm đến những doanh nghiệp là cánh chim đầu đàn; chú ý đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội…
Về những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thống nhất chủ trương mở rộng quy mô đầu tư cảng biển Quy Nhơn để xứng tầm là cảng biển quan trọng. Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai), Chủ tịch nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu vì cần thiết có thêm các tuyến đường nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch hỗ trợ Bình Định sớm lập hồ sơ trình UNESCO công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể của nhân loại…
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn TP Quy Nhơn; dự lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn); dự lễ khởi công xây dựng Đập dâng Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); dự lễ công bố huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới.