Chủ tịch Hà Nội: "Chuyển đổi số hay là chết"
(Dân trí) - "Từ chủ tịch thành phố đến chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở phải nhận thức được đây là việc sống còn, chuyển đổi số hay là chết, thì lúc đó mới làm được", Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Phân cấp ủy quyền không phải cứ có tiền là làm được
Tại kỳ họp HĐND Hà Nội chiều 5/7, sau phần chất vấn của các đại biểu với lãnh đạo cấp sở, ngành, địa phương về cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh có báo cáo tiếp thu và giải trình thêm một số nội dung được cử tri, đại biểu quan tâm.
Theo ông Thanh, trong hai năm qua, bộ máy hành chính của Hà Nội đã đi từ chỗ "chưa ai muốn phân cấp, chẳng ai muốn ủy quyền" cho đến khi nhận thức ra cần phải làm điều này.
Sau khi lập tổ công tác rà soát, Hà Nội kiểm kê ra gần 1.900 thủ tục hành chính thuộc 21 lĩnh vực quản lý Nhà nước. Từ đó, thành phố tiếp tục phân cấp ra 16 lĩnh vực và giao xuống từng quận, huyện, sở, ngành.
Ông Thanh cho rằng đây là khối lượng công việc khổng lồ vì "phân cấp xong không phải để đấy mà phải vào thực tiễn, phân cấp đến đâu ủy quyền đến đó". Số liệu cho thấy sau khi quá trình trên đi vào thực tiễn, các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt được nhiều dự án, tổng số lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chuyển đổi số là việc sống còn
Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh phân cấp ủy quyền không phải là bắt tất cả quận, huyện mặc một chiếc áo giống nhau mà cần căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để triển khai phù hợp, phải linh hoạt. Cứ sau một năm thực hiện, thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh.
"Việc này chưa hẳn cứ có tiền là làm được mà cần nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và sự sẵn sàng của người dân. Từ chủ tịch thành phố, đến chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở phải nhận thức được đây là việc sống còn, chuyển đổi số hay là chết, thì lúc đó mới làm được", ông Thanh nói.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cho rằng bộ máy sẽ không thể làm được nếu còn suy nghĩ phải có cán bộ giỏi tin học mới có thể chuyển đổi số. Cách tiếp cận này hoàn toàn sai về phương pháp và chỉ là cái cớ.
"Quận huyện nào có suy nghĩ đó thì cần xem lại vì đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng", ông Thanh nhấn mạnh.
Cho rằng quá trình chuyển đổi số có rất nhiều việc khó, ông Thanh dẫn số liệu Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân với 2-3 triệu học sinh từ mầm non đến hết lớp 12. Mỗi năm, thành phố có thêm hàng trăm nghìn học sinh.
"Khối lượng công việc khổng lồ như vậy mà biên chế sở, ngành của Hà Nội không có sự khác biệt so với tỉnh, thành phố khác, kể cả từ cấp xã trở lên cho đến các sở ngành. Thành phố chỉ tăng thêm đúng một phó chủ tịch, còn lại không tăng nhiều", Chủ tịch Hà Nội nói.
Ông Thanh cũng nhìn nhận có sự mâu thuẫn khi khối lượng công việc cấp cơ sở là "hình tháp xuôi", còn bộ máy chính quyền thành phố lại là "hình tháp ngược" với 1.500 nhân lực cấp thành phố, 283 nhân lực cấp quận, huyện, chỉ có vài chục nhân lực cấp xã, phường.
Trong khi đó, số lượng thủ tục hành chính cấp xã, phường phải giải quyết là 56.000; quận, huyện 44.000 và thành phố là 3.000.
"Có những việc giống như sửa nhà, ban đầu chỉ định sửa cái mái thôi nhưng đập vào thì tường cũng sửa lại, điện đóm, hệ thống nước cũng phải chạy lại... Đôi khi tôi cảm giác không hiểu anh em làm việc vào lúc nào để ra sản phẩm như vậy trong bối cảnh công việc quá nhiều, họp hành cũng nhiều", ông Thanh nói.
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng với 712 dự án cần đọc và tham mưu cho các cấp để có quyết định cuối cùng, thành phố cần 5.000 lượt cán bộ tham gia. Trong khi đó, thời gian đọc một bộ hồ sơ là 1-2 ngày để có thể tham mưu trúng, đúng, chuẩn.
"Không phải nói ra để thanh minh nhưng mong cử tri, nhân dân thủ đô chia sẻ với bộ máy hành chính nhà nước. Thành phố hiện có những bất cập nhất định. Chúng tôi hứa tới đây, sau khi có Nghị quyết của Thành ủy sẽ chấn chỉnh tinh thần kỷ cương, tổ chức bộ máy, nâng cấp cán bộ, mỗi người làm việc bằng 2-3 lần để xây dựng thủ đô văn minh và giàu đẹp hơn", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nói.