1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Câu chuyện có thật "người Hà Nội phải ngủ chung với rác"

Hà Mỹ

(Dân trí) - Phản ánh những bất cập trong xử lý rác thải của Hà Nội, đại biểu huyện Sóc Sơn kể lại câu chuyện có thật khi người dân nơi đây chịu cảnh rác chật cứng trong nhà và phải ngủ chung với rác.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND Hà Nội, chiều 3/7. 

Tại đây, các đại biểu nêu quan điểm về những vấn đề còn tồn đọng tại thủ đô trong những năm qua và đề xuất phương án gỡ vướng. 

Đề xuất chọn tư vấn nước ngoài khi phát triển hạ tầng

Nhắc lại định hướng xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) cho rằng "thành phố thông minh không thể ùn tắc giao thông, ngập úng, ùn ứ rác thải".

Theo ông, thành phố cần mạnh dạn sử dụng tư vấn nước ngoài trong lập quy hoạch, phát triển hạ tầng. Chi phí cho việc này ít tốn kém hơn việc khắc phục hệ quả của quy hoạch manh mún. 

"Để phát triển hạ tầng hướng tới đô thị thông minh, dù tốn tiền cũng phải sử dụng tư vấn nước ngoài", theo quan điểm của vị đại biểu huyện Mê Linh.

Từ bài học nhiều tỉnh, thành phố khác đang có quy hoạch manh mún, ông Đoàn cho rằng Hà Nội đã có quỹ đất nên cần đi đầu trong việc triển khai quy hoạch.

Câu chuyện có thật người Hà Nội phải ngủ chung với rác - 1

Ông Phạm Đình Đoàn, đại biểu huyện Mê Linh, nêu kiến nghị về việc Hà Nội cần sử dụng tư vấn nước ngoài khi phát triển hạ tầng (Ảnh: Mỹ Hà).

Phân tích kỹ hơn các vấn đề Hà Nội đang gặp phải, đại biểu Phạm Quang Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, chỉ ra vấn đề tăng trưởng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chủ yếu vẫn dựa trên đầu tư nên càng đầu tư mạnh, tăng trưởng càng mạnh.

"Nếu 2 năm tới phân bổ hết vốn đầu tư công trung hạn, thành phố sẽ có hạ tầng đồng bộ, một số vấn đề bức xúc dân sinh cũng được giải quyết", ông Thanh nói. 

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội cho rằng để người dân cảm nhận được sự chuyển biến từ phúc lợi đến hạ tầng, thành phố cần cố gắng rất nhiều. Nhất là khi trong suốt những năm qua, thủ đô vẫn tồn đọng những vấn đề muôn thuở về môi trường, giao thông, nước sạch, rác thải, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách đất đai...

Nỗi lo "trứng bỏ hết vào một giỏ"

Với riêng vấn đề rác thải, ông Thanh đánh giá quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn rất chậm. Ông nhấn mạnh "Hà Nội quy hoạch rất nhiều nhưng việc triển khai gần như đứng yên một chỗ".

Là đại biểu của huyện Sóc Sơn, ông cho biết địa phương này gánh chịu hơn 70% rác thải rắn của thủ đô. "Người dân mong mỏi giảm tải bãi rác hơn 20 năm qua, thành phố cũng hứa nhiều nhưng sức ép về xử lý rác thải ở địa phương vẫn rất lớn", ông Thanh nói.

Đại biểu cũng cho rằng với một bãi rác quá tải, chi phí từ xử lý chôn lấp đến khắc phục môi trường tốn hơn rất nhiều so với đầu tư một khu xử lý mới. Ngoài ra, rủi ro đối với thành phố rất lớn vì "trứng bỏ hết một giỏ, nếu giỏ thủng trứng sẽ vỡ hết".

Theo ông Thanh, câu chuyện môi trường ở đây còn là nguy cơ đối với người dân thành phố. Qua những lần người dân chặn xe ở bãi rác Nam Sơn, các đại biểu đã tính toán đến ngày thứ 6, nếu bãi rác không mở lại, rác nhà ai sẽ để nguyên nhà nấy vì vỉa hè không còn chỗ để. 

"Và đến ngày thứ 10, rác chật cứng trong nhà và dân ngủ chung với rác. Đây là chuyện có thật. Đó là nguy cơ cực kỳ hiện hữu với thành phố cho dù chúng ta đầu tư hạ tầng tốt đến đâu. Thực ra thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp chỉ một số chỗ thôi, nhiều chỗ còn bí lắm", ông Thanh nói. 

Câu chuyện có thật người Hà Nội phải ngủ chung với rác - 2

Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Phạm Quang Thanh cho rằng người dân thủ đô cần được hưởng các phúc lợi, chính sách công bằng dù ở bất kỳ quận, huyện nào (Ảnh: Mỹ Hà).

Đề cập thêm về vấn đề nước sạch, đại biểu tổ Sóc Sơn cho rằng việc đảm bảo 100% người dân thủ đô được dùng nước sạch không nên coi là chỉ tiêu nhiệm kỳ, mà nên nhìn nhận rằng người dân phải được hưởng chính sách công bằng. 

Ông Thanh cho rằng nếu vấn đề này không được quan tâm, về lâu dài có thể gây ra bất bình đẳng trong cùng thành phố. Nhiều khi người dân ở cách nhau 10km lại được thụ hưởng thành quả hoàn toàn khác nhau.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội đồng tình với quan điểm một số đại biểu cho rằng HĐND TP cần có tổ công tác đặc biệt để giám sát chương trình mục tiêu, công trình trọng điểm của thành phố và phải "làm đến hết, không phải chỉ xới xáo lên rồi đưa ra nghị quyết".