1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò

Vi Thảo

(Dân trí) - Chợ Bốt Đỏ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến nay số lượng tiểu thương đăng ký vào kinh doanh còn hạn chế, bên trong chợ cỏ mọc um tùm, thành nơi chăn bò.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện A Lưới, công trình chợ Bốt Đỏ được khởi công xây dựng từ 25/3/2018 tại xã Phú Vinh, đến ngày 10/9/2020 hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế.

Công trình được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật từ tháng 10/2017, với mục tiêu đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng, đáp ứng nhu cầu mua bán, giao thương của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò - 1

Chợ Bốt Đỏ tại huyện nghèo A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát huy hiệu quả sau khi hoàn thành xây dựng (Ảnh: Vi Thảo).

Đồng thời góp phần thực hiện quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chợ Bốt Đỏ thuộc dự án nhóm C, công trình dân dụng cấp III, tổng diện tích sử dụng đất 12.510m2, chia làm 4 khối công trình với 56 ki ốt.

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò - 2

Bên trong một khối nhà, các ki ốt cửa đóng im lìm, hành lang dính đầy phân động vật, điện bật giữa ban ngày (Ảnh: Vi Thảo).

Chợ còn được xây dựng thêm nhiều hạng mục phụ trợ, như: khu vệ sinh, sân bê tông, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, điện, chống sét, cổng, hàng rào,… đảm bảo vận hành an toàn.

Lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện A Lưới cho biết, sau khi dự án hoàn thành xây dựng, bàn giao, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều phiên đấu giá cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn.

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò - 3

Mới duy nhất một khối nhà có tiểu thương kinh doanh (Ảnh: Vi Thảo).

Theo một tiểu thương kinh doanh tại chợ Bốt Đỏ, công trình xây xong từ lâu nhưng tỷ lệ người dân đăng ký tham gia buôn bán còn rất hạn chế, gần như mới chỉ 1 khối nhà có lô, quầy hoạt động.

Quan sát thực tế của phóng viên, hàng loạt ki ốt, lô ở các khối nhà thuộc chợ trong tình trạng cửa đóng then cài, sân bên trong chợ cỏ mục um tùm, thành bãi chăn thả bò. Gia súc thoải mái đi vào trong các khối nhà phóng uế khiến cổng chợ nhếch nhách.

A Lưới là một trong 74 huyện nghèo nhất nước giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò - 4

Sân bên trong chợ Bốt Cỏ, cỏ mọc um tùm, thành nơi chăn thả bò (Ảnh: Vi Thảo).

Thời gian qua, Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư rất nhiều nguồn lực để giúp A Lưới thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân.

Từ nguồn lực đầu tư, nhiều công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự án hỗ trợ người dân được triển khai thực hiện, qua đó cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia.

Bên cạnh đó, vẫn còn đó một số công trình, dự án chưa phát huy hiệu quả, gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Chợ hơn 9,3 tỷ đồng ở huyện nghèo biên giới thành nơi chăn bò - 5

Địa phương cần có giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư (Ảnh: Vi Thảo).

Điển hình là dự án quy hoạch sắp xếp bố trí ổn định dân cư xã Quảng Nhâm, với 2 giai đoạn, nhằm bố trí, tái định cư cho 75 hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai.

Đến nay, dự án mới hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500, đo đạc, quy chủ đất, xác định phạm vi, ranh giới diện tích quy hoạch và cắm mốc phục vụ giải phóng mặt bằng, lấy ý kiến dân cư.