“Thủ tướng bức xúc vì chợ bỏ hoang, đường to quá cỡ”

(Dân trí) - Trình dự thảo luật Đầu tư công lại UB thường vụ QH ngày 23/9, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận nhiều tồn tại trong lĩnh vực, khiến chính Thủ tướng cũng phải bức xúc với những dự án xây chợ để... bỏ hoang, làm đường miền núi mà hoành tráng quá cỡ.

 
Bộ trưởng KH-ĐT: Sẽ không để tiếp tục tình trạng một con đường làm hết 10 năm (ảnh: Petrotimes).
Bộ trưởng KH-ĐT: "Sẽ không để tiếp tục tình trạng một con đường làm hết 10 năm" (ảnh: Petrotimes).

Khẳng định tính cần thiết xây dựng luật Đầu tư công, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh chỉ rõ, thời gian qua, do thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, đặc biệt là việc phân cấp quá rộng, lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Việc phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn làn không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.

Để hạn chế tối đa việc bố trí vốn tràn lan, dàn trải đã diễn ra nhiều năm qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, cơ quan soạn thảo đã thiết kế những điều khoản quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công đồng thời trong mục này cũng quy định một điều về các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Băn khoăn với những quy định đề xuất về vấn đề đấu thầu, trúng thầu, giá thanh toán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “bác” việc cho phép điều chỉnh giá thầu. Theo Chủ tịch, giá trúng thầu phải là cuối cùng, không chấp nhận việc cứ thay đổi liên tục.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng quy định sao để khắc phục được tình trạng “trúng thầu trăm tỷ thanh toán vài trăm tỷ”. Theo đó, giá trúng thầu phải là giá thanh toán, trúng thầu bao nhiêu trả thầu bấy nhiêu, tránh câu chuyện điều chỉnh giá triền miên, chỉ điều chỉnh giá thanh toán trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai

Người từng ở cương vị Bộ trưởng Tài chính cảnh báo, không giải quyết được vấn đề này thì không có cách gì để phòng chống tham nhũng, lãng phí. “Luật phải buộc chặt, quyết định đầu tư không trúng, ai là người chịu trách nhiệm và có quy định về ghi vốn trái phiếu bởi đây cũng là một nguồn đầu tư công” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng tình hướng lập luận này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nêu yêu cầu phải khắc phục tình trạng trúng thầu một giá, trả thầu một giá. Ông Phước kiến nghị, đưa hành vi thay đổi giá thành thanh toán cao hơn so với giá thành đấu thầu vào nhóm hành vi cấm trong luật.

Giải trình thêm cho những khúc mắc đặt ra, Bộ trưởng KH-ĐT xác nhận, làm được việc này sẽ giúp giải quyết được “bệnh” hiện nay là chờ sửa, chỉnh thầu.

Ông Vinh thông tin thêm, chính vì những bất cập đó mà nhiều khi chính Thủ tướng cũng phải bức xúc với những dự án thiếu tỉnh táo, thực tế như làm đường miền núi là hoành tráng quá cỡ, làm chợ dân sinh, trung tâm thương mại lớn mà xây dựng xong không có người kinh doanh, buôn bán nên đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của của.

Người đứng đầu Bộ KH-Đ T cũng giải thích, quy định chủ yếu hướng tới tiêu chí đấu thầu trọn gói, trong đó có dự phòng rủi ro. Các trường hợp khác chỉ là phụ.

Ngoài ra, luật còn quy định rõ nội dung về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tức phải có tiền mới được thi công, không để tiếp tục tình trạng làm một con đường mà kéo dài 10 năm.

P.Thảo