1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền hơn 20 năm, nhiều tiểu thương giờ đang "vò đầu, bứt tai" xoay cách gồng lỗ khi tình hình kinh doanh chưa từng khó như hiện tại.

"Đứt" mối, cạnh tranh với chợ trời

Giữa trưa, anh Lương Văn Chính, tiểu thương hàng nông sản tại chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM), chạy xe máy trở về nhà nghỉ ngơi. 

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế - 1

Sạp chuyên doanh nông sản của anh Chính tại chợ Bình Điền (Ảnh: Nguyễn Vy).

Doanh thu hằng tháng sụt giảm gần 50%, anh Chính đỡ cảnh quay cuồng bận rộn, tất bật với sạp hàng cả ngày. Anh về nhà ngủ trưa, để sạp lại cho nhân công quán xuyến.

Nói về tình hình kinh doanh của sạp những tháng sau Tết 2024, nam tiểu thương chỉ cười trừ, tỏ vẻ ngán ngẩm.

"Ế ẩm lắm! Tôi kinh doanh từ những ngày đầu thành lập chợ mà chưa từng chứng kiến cảnh doanh thu sụt giảm như hiện tại. Sau giai đoạn Covid-19, việc kinh doanh "phất" lên được 1 năm rồi lại tệ đi rất nhanh", anh Chính nói.

Vị tiểu thương cho hay, sản lượng giảm dần do bạn hàng nhập số lượng hàng ít lại so với trước. Đơn cử, thay vì đặt đơn hàng trung bình trị giá 1 triệu đồng thì nay bạn hàng của anh chỉ chi còn khoảng 500.000 đồng.

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế - 2

Nhiều tiểu thương cho hay dù đã giảm giá hàng hóa, doanh thu vẫn trên đà sụt giảm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngoài ra, sạp hàng của anh Chính còn phải cạnh tranh với những người bán nông sản nhỏ lẻ ở lề đường, chợ trời. Mỗi tháng, nam tiểu thương phải "nuốt nước mắt" khi nhìn hóa đơn các khoản chi phí như tiền thuê sạp, điện, nước, trả lương nhân viên, vốn nhập hàng,…

"Chúng tôi bị họ ép giá rất nhiều. Ví dụ như rau, chúng tôi phải bán 8.000 đồng/kg trong khi giá vốn đã 8-9.000 đồng/kg. Nếu không bán thì họ không mua nữa, nông sản để lâu ngày là hỏng nên tiểu thương đành cắn răng mà bán. Có nhiều tháng tôi phải gồng lỗ, bỏ tiền túi để duy trì việc kinh doanh", anh Chính thở dài.

Cách đó không xa, sạp hàng của chị Kim Cương, tiểu thương chuyên doanh gia vị tại chợ, cũng không khá khẩm hơn. Thương hiệu tại chợ Bình Điền của chị Cương từng có khách hàng đến từ khắp tỉnh, thành trên cả nước. Sản lượng hằng tháng cung cấp cho thị trường rất lớn.

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế - 3

Để "nuôi" hơn 10 nhân công, bà Kim Cương phải chấp nhận lãi ít, giữ vốn cầm cự (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nhưng những năm gần đây, chị Cương lo nhiều vì nhiều mối khách quen ở các tỉnh, thành chợt… biến mất. Vị tiểu thương cho hay, sau giai đoạn Covid-19, doanh thu mỗi năm đều giảm, đến nay đã mất 30-50% so với trước đây.

"Chợ thường hoạt động vào buổi tối, nhộn nhịp từ 21h đến sáng hôm sau. Giờ đây, cảnh nhộn nhịp chỉ đến nửa đêm. Được trở về nhà sớm hơn mà... khóc đấy", chị Cương nói.

Cứu vớt việc kinh doanh

Được biết, chị Kim Cương sở hữu 6 sạp hàng tại chợ. Trong đó, chị dùng 1 sạp để làm địa điểm kinh doanh chính, 5 sạp còn lại là kho chứa hàng hóa hoặc để cho thuê lại.

Chỉ tay về những dãy sạp xung quanh, chị lắc đầu: "Ở đây có nhiều người không gồng nổi, phải nghỉ bán, cho thuê lại sạp để gom vốn chờ ngày… trở lại. Tôi cũng là một trong những tiểu thương hoạt động từ những ngày thành lập chợ. Phải thú thật, chợ dạo này ế lắm, tôi chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn thế này".

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế - 4

Tiểu thương rầu rĩ khi không còn chứng kiến cảnh tấp nập cả sáng lẫn đêm tại khu chợ đầu mối lớn nhất TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dù may mắn chưa chịu cảnh phải sang nhượng sạp, chị Cương mỗi ngày đều lo lắng trước tình hình kinh tế khó khăn.

Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền ghi nhận sản lượng 3 tháng cuối năm 2023 đạt 2.400 tấn/ngày, giảm 10-20% so với cùng kỳ năm 2022.

"Theo tôi, nguyên nhân một phần đến từ việc nhiều doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp, bỏ về quê. Tiểu thương ở các khu chợ cho người lao động gặp cảnh ế ẩm, khiến tiểu thương ở chợ đầu mối như chúng tôi cũng gặp khó khăn theo.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 xảy ra, chợ đầu mối phải đóng cửa, nhiều người bán hàng nhỏ, lẻ trên lề đường xuất hiện, chợ trời cũng "mọc" lên. Người tiêu dùng từ đó đã có thói quen mua hàng bên ngoài, không mặn mà bước vào chợ đầu mối nữa", chị Cương nhận định.

Sạp hàng của chị Cương có hơn 10 nhân công làm việc. Vì không muốn sa thải hay nợ lương bất kỳ ai, chị Cương phải chấp nhận giảm lãi, cố gắng bảo toàn vốn, chờ ngày phục hồi.

Tiểu thương chợ đầu mối lớn nhất TPHCM bán rẻ như cho vẫn… ế - 5

Để gồng lỗ, nhiều tiểu thương phải cắt giảm nhân viên, giảm quy mô kinh doanh, nhập ít hàng hơn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Văn Chính cho biết sạp hàng của anh từng có 2-3 nhân công, giờ chỉ có thể giữ lại 1 người. Thiếu nhân viên, anh Chính phải bỏ công gấp đôi so với trước. Mọi công việc giờ đây đều có sự tham gia của vị chủ sạp này.

"Khó khăn như này phải xoay, phải tính, đâu thể làm khác được. Kinh doanh, gắn bó tại khu chợ này đã lâu, giờ bảo bỏ, đi làm cái khác cũng khó. Nhìn nhận tình hình chung, chúng tôi xác định cố bám trụ với nghề", anh Chính dự định.