1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Chờ đợi nhiều dự án “giải cứu” Tân Sơn Nhất

(Dân trí) - Để giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đầu tư 6 công trình quanh khu vực này với tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng. Ngoài cầu vượt Trường Sơn đã vận hành, cầu vượt ngã 6 Nguyễn Thái Sơn đã xong giai đoạn 1. Trong 4 dự án còn lại, đáng chú ý nhất là mở đường song song đường Cộng Hòa (1.400 tỷ đồng) đang vướng giải phóng mặt bằng.

Ngày 3/7, cầu vượt trên đường Trường Sơn có hình chữ Y dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư 242 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác.

Cùng lúc này, nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám về Nguyễn Thái Sơn thuộc dự án cầu vượt ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (vốn đầu tư 504 tỷ đồng) cũng đã chính thức đưa vào hoạt động.

Cầu vượt đường Trường Sơn có 2 nhánh dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh Quốc Anh)
Cầu vượt đường Trường Sơn có 2 nhánh dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh Quốc Anh)

Tuy nhiên, dù có cầu vượt Trường Sơn nhưng tình hình kẹt xe khu vực sân bay kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ vào ngày 20/7. Điều đáng nói, trong khi dưới cầu vượt tắc nghẽn hàng giờ thì trên cầu xe cộ rất thưa thớt.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng việc xây cầu vượt không hợp lý và tổ chức giao thông thiếu khoa học, cùng với hệ thống hạ tầng trong khu vực hạn chế nên kẹt xe là điều đương nhiên.

Các chuyên gia góp ý cần mở rộng thêm đường vào sân bay để phá vỡ thế độc đạo của đường Trường Sơn, từ đó giảm áp lực giao thông khu vực này.

Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2017 sẽ triển khai 4 dự án quan trọng khác để giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (166 tỷ đồng). Cải tạo đường Cộng Hòa khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (142 tỷ đồng). Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa (255 tỷ đồng).

Ngày 20/7, tuyến đường Trường Sơn tắc nghẽn hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng trên cầu vượt xe cộ rất thưa thớt (ảnh Đình Thảo)
Ngày 20/7, tuyến đường Trường Sơn tắc nghẽn hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng trên cầu vượt xe cộ rất thưa thớt (ảnh Đình Thảo)

Đáng chú ý nhất là dự án mở đường song song với đường Cộng Hòa bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn kéo dài đến Trường Chinh gần vị trí ngã ba Mũi Tàu (giao lộ Cộng Hòa – Trường Chinh). Tuyến đường này phần lớn nằm trong đất quân sự.

Dự kiến, tuyến đường dài 4,3km; rộng 22m sẽ thiết kế cho 6 làn xe lưu thông, với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tuyến đường được chia làm 3 đoạn, trong đó đoạn thứ ba dài khoảng 620m, rộng 20m đi sát hàng rào của sân bay. Tổng diện tích đất quốc phòng cần thu hồi khoảng gần 6,7ha.

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM mới đây, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện nay dự án chậm triển khai do đoạn thứ ba nằm sát hàng rào sân bay. Đây là phần bảo hiểm đường băng. Nếu làm đường công cộng sát với đường băng sẽ uy hiếp an toàn bay. Vì vậy, phải nghiên cứu kỹ.

Theo UBND TPHCM, hiện chỉ có duy nhất đường Trường Sơn dẫn vào sân bay và đang trong tình trạng quá tải. Do đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu mở thêm cổng vào sân bay trên đường Thống Nhất hoặc trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung...

Đồng quan điểm với UBND TPHCM, PGS – TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc mở đường, mở thêm nhà ga giúp người dân có thể lựa chọn lối vào sân bay thuận tiện nhất. Đường Trường Sơn sẽ được “chia lửa” và không bị quá tải như hiện nay.

Khu vực Lăng Cha Cả, đường Trần Quốc Hoàn... giao thông tắc nghẽn, các phương tiện rất vất vả khi lưu thông qua đây (ảnh Đình Thảo)
Khu vực Lăng Cha Cả, đường Trần Quốc Hoàn... giao thông tắc nghẽn, các phương tiện rất vất vả khi lưu thông qua đây (ảnh Đình Thảo)

Chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh – cho biết, kẹt xe tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải do lượng khách vào sân bay lớn mà chính là lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này quá lớn. Cần phải khảo sát, tính toán lại lưu lượng giao thông qua khu vực sân bay để đưa ra giải pháp phù hợp.

Cùng chung nhận định, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - đề xuất giải pháp tối ưu là phải tổ chức lại giao thông khu vực sân bay. Theo đó, cần có phương án tách các hướng lưu thông trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng... để hạn chế các phương tiện dồn đến đường Trường Sơn.

Còn TS Hồ Thanh Phong (Hiệu trưởng Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM) đề xuất 2 phương án điều phối giao thông để cho các xe đang “mượn” đường Trường Sơn đi vào các tuyến đường khác.

Thứ nhất là mở đường một chiều Nguyễn Kiệm từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Phú Nhuận thành 2 chiều. Việc này sẽ hạn chế lượng xe từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn vào trung tâm thành phố qua đường Trường Sơn vì người dân có thể đi thẳng đường Nguyễn Kiệm.

Phương án thứ hai là mở đường Nguyễn Kiệm và Hoàng Văn Thụ (từ cầu vượt Lăng Cha Cả đến Nguyễn Văn Trỗi) thành 2 chiều. Như vậy sẽ giảm lưu lượng xe từ đường Bạch Đằng vào đường Trường Sơn và từ Hoàng Văn Thụ qua đường Trần Quốc Hoàn ra Cộng Hòa.

TS Phong xác định đây chỉ là phương án điều phối, không thể thay thế việc xây dựng các công trình. Ông cho rằng đây là cách có thể làm ngay, giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Quốc Anh