"Kẹt xe ở Tân Sơn Nhất là chuyện đương nhiên"
(Dân trí) - Theo các chuyên gia giao thông, dù có cầu vượt nhưng vẫn kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là điều không thể tránh khỏi. Trường Sơn là tuyến đường độc đạo vào sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên lượng xe “quá cảnh” qua đây quá nhiều và xu hướng ngày càng tăng.
"Có cải tiến gì đâu!"
Như đã đưa tin, ngày 20/7, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra kẹt xe nghiêm trọng và kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.
Điều đáng nói, trong khi phía dưới kẹt xe nghiêm trọng thì phía trên cầu vượt Trường Sơn (vào sân bay) xe cộ rất thưa thớt. Thực tế trên khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cầu vượt trị giá 240 tỷ đồng này.
Theo các chuyên gia giao thông, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở Tân Sơn Nhất vẫn xảy ra sau khi có cầu vượt Trường Sơn là điều đương nhiên và không khó lý giải.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn chỉ giải quyết cho xe vào sân bay còn hướng ra thì không làm. Do đó, hướng từ sân bay ra Trường Sơn về Lăng Cha Cả vẫn còn xung đột với dòng xe từ Phạm Văn Đồng qua Bạch Đằng đổ dồn về đây.
Ngoài ra, xe từ trong sân bay muốn ra đường Phạm Văn Đồng cũng phải lưu thông ra Trường Sơn rồi rẽ qua Hồng Hà và tiếp tục gây xung đột với dòng xe từ vòng xoay Lăng Cha Cả lưu thông về hướng sân bay. Điều này gây áp lực giao thông lớn đối với vòng xoay Lăng Cha Cả và nút giao Trường Sơn - Hồng Hà, Trường Sơn - Bạch Đằng.
Ông Sanh cũng chỉ ra một điểm xung đột dưới chân cầu vượt. Theo đó, một phần diện tích đường bị chiếm dụng để làm giải phân cách dưới chân cầu vượt. Do đó, xe máy từ hướng công viên Hoàng Văn Thụ về sân bay phải lưu thông thêm một đoạn dài mới quay đầu và tạo thành điểm xung đột với dòng xe từ Bạch Đằng đổ về sân bay.
“Cầu vượt được xây dựng chỉ có lợi cho hướng lưu thông từ đường Trường Sơn vào sân bay. Còn các điểm giao cắt vẫn y như cũ, có cải tiến gì đâu”, ông Sanh nói.
Theo ông Sanh, cơ quan chức năng phải tính toán khoa học chứ không phải đổ nhiều tiền vào làm dự án cấp bách là “giải cứu” ùn tắc giao thông Tân Sơn Nhất. Ông cho rằng cơ quản quản lý không nên đổ lỗi chuyện kẹt xe do sự cố giao thông.
Tổ chức lại giao thông khu vực sân bay
Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, khi dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài hoàn thành và kết nối với đường Trường Sơn, cơ quan quản lý chưa tính toán cụ thể lượng xe lưu thông theo trục đường này sẽ tăng lên.
Từ đó, ông Cương đề xuất giải pháp tối ưu là phải tổ chức lại giao thông khu vực sân bay. Theo đó, cần có phương án tách các hướng lưu thông trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng... để hạn chế các phương tiện dồn đến đường Trường Sơn.
Trong khi đó, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM – cho rằng TP chi tiền làm cầu vượt vào sân bay, trong khi đó tuyến đường có lưu lượng giao thông tăng cao là Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Ngoài ra, người dân “quá cảnh” qua Trường Sơn để ra Phạm Văn Đồng lại đang tăng lên.
Ông Phúc cho rằng lượng xe vào vào sân bay vào cao điểm tết cũng chỉ chiếm hơn 10-15% lượng xe lưu thông trên đường Trường Sơn. “Cho nên xây xong cầu vượt mà tắc nghẽn ở đường Trường Sơn vẫn xảy ra như cũ là chuyện đương nhiên. Điều này cũng lý giải tại sao trong khi bên dưới cầu vượt tắt nghẽn hàng giờ mà trên cầu chỉ loáng thoáng vài chiếc ô tô”, ông Phúc nói.
Chuyên gia Phạm Sanh cũng cho rằng, kẹt xe tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải do lượng khách vào sân bay lớn mà chính là lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này quá lớn. Cần phải khảo sát, tính toán lại lưu lượng giao thông qua khu vực sân bay để đưa ra giải pháp phù hợp.
Theo TS Nguyễn Thiện Tống, để giảm kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì cần giải pháp căn cơ hơn. Cần phải sử dụng đất khu vực sân golf hiện nay để mở thêm nhà ga phía Bắc để phục vụ hành khách. Lúc này, Trường Sơn không còn là con đường độc đạo vào sân bay nữa thì chắc chắn sẽ giảm áp lực giao thông khu vực này.
TS Tống cho rằng, đừng nghĩ rằng việc mở đường, mở thêm nhà ga chỉ phục vụ cho hành khách vào sân bay mà phục vụ cho giao thông thành phố. Tùy theo vị trí mà người dân có thể lựa chọn lối vào sân bay thuận tiện nhất. Đường Trường Sơn sẽ được “chia lửa” và không bị quá tải như hiện nay.
Ông Tống phân tích: “Mình có thể tính toán được một ngày có bao nhiêu người ra vào sân bay. Thực tế vào giờ cao điểm, số lượng con người, phương tiện vào sân bay chỉ chiếm chưa tới 20% năng lực lưu thông của đường Trường Sơn. Người đi vào sân bay bị kẹt do người không đi vào sân bay. Hiện nay, lượng phương tiện sử dụng tuyến đường qua khu vực sân bay quá lớn”.
Quốc Anh