Chính vì chờ bán vải mà mười mấy năm kêu với Quốc hội không sửa nổi cây cầu

Hà Mỹ

(Dân trí) - "Bắc Giang còn cần thủ tục nào, phải gặp những ai thì mới được đầu tư cầu Cẩm Lý? Chính vì cứ chờ vào bán vải nên mười mấy năm kêu gọi trước Quốc hội mà không làm nổi cầu", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Chủ trương đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt, cầu Xương Giang và hiện trạng xuống cấp của cầu Cẩm Lý (Bắc Giang) là vấn đề được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn của Quốc hội, chiều 7/6.

Nội dung này cũng mở ra vấn đề về việc phê duyệt chủ trương cho địa phương đầu tư các dự án giao thông đường bộ trên địa bàn. 

"Giá vải đang đắt, Bắc Giang có thể dành ngân sách nâng cấp cầu Cẩm Lý"

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết Bắc Giang hiện còn hai nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ Quốc hội.

Nút thắt thứ nhất là cầu Cẩm Lý. Ông Lâm cho biết cây cầu này được xây dựng từ năm 1979, là cầu duy nhất có đường sắt đi chung với đường bộ ở miền Bắc. Cầu có tuổi đời gần 50 năm và nằm trên quốc lộ 37 là tuyến huyết mạch nối Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Phòng, Quảng Ninh.

"Lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra thảm họa. Dự án nằm trong danh mục dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng hiện chưa bố trí được vốn cho dự án", đại biểu nói. 

Chính vì chờ bán vải mà mười mấy năm kêu với Quốc hội không sửa nổi cây cầu - 1

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt câu hỏi về những nút thắt giao thông liên quan đến 3 cây cầu Cẩm Lý, Như Nguyệt và Xương Giang (Ảnh: Phạm Thắng).

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định cần sớm đầu tư để nâng cấp, mở rộng cầu Cẩm Lý.

Theo ông, trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công, nhưng "nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được". Bộ đã tính đến phương án làm việc với các tổ chức quốc tế, cụ thể là EDCF để bố trí nguồn lực nhưng không thành công.

Ông Thắng cho biết Thủ tướng đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ như GTVT, Kế hoạch và Đầu tư để thu xếp bố trí nguồn vốn ODA, triển khai nghiên cứu đầu tư phù hợp; trường hợp thật sự cấp bách cần triển khai ngay thì tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn.

"Như vậy có hai lựa chọn là trong trường hợp thực sự cấp bách, tỉnh bố trí được nguồn vốn mà đợt này giá vải lại đắt, thì tỉnh có thể dành một phần ngân sách để làm. Trường hợp tỉnh không có vốn, Bộ GTVT sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng để giải quyết vấn đề này", Bộ trưởng GTVT nói.

Chính vì chờ bán vải mà mười mấy năm kêu với Quốc hội không sửa nổi cây cầu - 2

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn chiều 7/6 (Ảnh: Phạm Thắng).

Nút thắt thứ hai được đại biểu Trần Văn Lâm nhắc tới là việc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi vào hoạt động từ năm 2016, lưu lượng xe lớn nhưng thường xuyên xảy ra ùn tắc ở cầu Như Nguyệt, Xương Giang với lý do hai cây cầu này mới có hai làn xe.

"Tình trạng ùn tắc vẫn sẽ diễn ra nếu cầu Xương Giang không được mở rộng. Xin Bộ trưởng cho biết trong năm nay, nút thắt trên có giải quyết được không?", đại biểu đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tỉnh Bắc Giang quyết tâm dành nguồn vốn của địa phương để đầu tư cầu Như Nguyệt. Còn cầu Xương Giang, phía tỉnh đang đề nghị Trung ương ủng hộ với tinh thần chia sẻ.

Tư lệnh ngành giao thông khẳng định quá trình tham mưu cho Thủ tướng, ông thấy rất cần thiết triển khai xây dựng cây cầu này. Bộ đã tính sử dụng nguồn vốn ODA nhưng nguồn vốn này bị chậm.

Bộ GTVT cũng đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Thủ tướng, cơ quan có thẩm quyền để sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 đầu tư vào cầu Xương Giang. Sau khi cấp có thẩm quyền chấp thuận, các cơ quan sẽ bố trí nguồn để triển khai.

Chính phủ giao địa phương đầu tư trong trường hợp cấp bách

Chưa hài lòng với câu trả lời về "số phận" 3 cây cầu, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tranh luận, hàng ngày hàng nghìn xe tải chở thanh long, sầu riêng và hoa quả khác đang ùn tắc tại địa phận cầu Như Nguyệt và Xương Giang, có trường hợp phải bán giải cứu.

Theo ông Hạ, nút thắt nằm ở chỗ chỉ có một chiều đi, một chiều về ở cùng một cây cầu; trong khi đây là con đường huyết mạch, ngắn nhất để từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Hiện mới tháo gỡ được nút thắt này ở cầu Như Nguyệt, còn cầu Xương Giang "tắc vẫn hoàn tắc".

Về cầu Cẩm Lý, đại biểu nhấn mạnh đây là cây cầu được xây dựng từ thập niên 70; nối thông với Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh; đi chung cả đường bộ, đường sắt. Đây là trường hợp khẩn cấp cần tháo gỡ ngay.

"Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng, hiện Bắc Giang còn thiếu thủ tục nào, còn phải gặp đến những ai thì mới được đầu tư vào cây cầu đó? Bây giờ chính vì cứ nhờ vào bán vải, chờ bán vải nên mười mấy năm nay kêu gọi trước Quốc hội mà không làm được nổi. Tôi hy vọng nhờ bài phát biểu của Bộ trưởng hôm nay thì vải của Bắc Giang sẽ tốt hơn", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?"

Bộ trưởng GTVT cho biết trường hợp cầu Như Nguyệt được thực hiện đầu tư rất khẩn cấp vì cây cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong trường hợp cấp bách, Chính phủ giao cho tỉnh thực hiện việc đầu tư. Dự kiến cuối năm nay, cầu được thông xe.

Với cầu Xương Giang, ông Thắng khẳng định đã hoàn tất thủ tục thẩm định, tờ trình đã được trình đến Chính phủ, chỉ chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để có nguồn làm.

"Còn cầu Cẩm Lý, chúng tôi tiếp tục ghi nhận và thực ra là vấn đề đầu tiên là tiền đâu, Bộ GTVT khó nhất là không có tiền", ông Thắng nói và cho biết đầu kỳ có danh mục rõ ràng, nhưng "giờ phải chờ xem có xuất hiện nguồn nào không".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng mong Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm cho Bắc Giang để xử lý vấn đề này.