Để thị trường quyết định giá đăng kiểm mới đảm bảo thu nhập đăng kiểm viên
(Dân trí) - Để đăng kiểm trở lại bình thường, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cần điều chỉnh cơ chế tài chính; loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá bị quản lý và để thị trường quyết định.
Chiều 7/6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đăng đàn trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là lần đầu tiên Tư lệnh ngành giao thông trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là một trong những nội dung thuộc nhóm này.
Bên cạnh đó, ông Thắng sẽ trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn Tư lệnh ngành giao thông về việc quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng... sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Khởi tố hàng trăm lãnh đạo, cán bộ liên quan đăng kiểm
Bức tranh về "khủng hoảng đăng kiểm" trước đó đã được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đề cập trong Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến chất vấn.
Bộ trưởng GTVT cho biết từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các trung tâm đăng kiểm với nhiều tội danh khác nhau, theo báo cáo của Bộ GTVT.
Đến nay đã có 68 vụ án bị khởi tố, 103 trung tâm đăng kiểm và 4 chi cục đăng kiểm bị khám xét.
Bộ GTVT cho biết đã đình chỉ sinh hoạt với 24 đảng viên; kỷ luật khai trừ 49 đảng viên, cảnh cáo 10 chi bộ đảng. Bộ GTVT cũng xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam do bị khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Bộ GTVT, để xảy ra những sai phạm nêu trên, trách nhiệm quản lý Nhà nước trước tiên thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sở GTVT các tỉnh thành phố có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn.
"Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của mình khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện. Chưa tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của Cục Đăng kiểm", báo cáo nêu rõ trách nhiệm của Bộ GTVT.
Đến 2025 xây 3.000km đường cao tốc
Khái quát về bức tranh hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT cho biết mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km.
"Trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566km đường cao tốc - bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây với khoảng 1.163km", báo cáo của Bộ GTVT nhấn mạnh việc này góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng.
Bên cạnh đó, có hơn 1.000km cao tốc đang tiếp tục triển khai thi công; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TPHCM và các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh...
Khi thực hiện xong các dự án này, Bộ GTVT tính toán sẽ hoàn thành thêm khoảng 344km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm vào Hà Nội và TPHCM.
Nhiều mục tiêu quan trọng được Bộ GTVT xác định, gồm: Đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km, thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến 2030 có khoảng 5.000km; hoàn thành trên 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; hoàn thành xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); nghiên cứu, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Trong lĩnh vực hàng không, 22 sân bay đã được cải tạo và đưa vào khai thác.
"Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn", theo đánh giá của Bộ GTVT.