1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chính thức thí điểm khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan, dự án thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản chính thức được triển khai.

Như tin đã đưa, ngày 26/10 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã gửi công văn báo cáo TP Hà Nội về đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

Hà Nội đồng ý cho triển khai thí điểm

Ngày 6/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có công văn giao Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan xem xét, cho ý kiến đối với đề xuất của JVE Group; báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 18/11.

Đến ngày 4/12/2020, tại văn bản số 11794/SXD-HT, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị JVE Group chuẩn bị máy móc, thiết bị, nhân lực để lắp đặt, vận hành thiết bị khử mùi theo tiến độ đã thống nhất. Trong quá trình thực hiện phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về công nghệ, công khai hiệu quả xử lý, góp phần giải tỏa bức xúc dân sinh về môi trường.

Chính thức thí điểm khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - 1

Thiết bị công nghệ sục khí nano - Nhật Bản tại khu thí điểm xử lý trong bãi rác Nam Sơn.

Tiếp theo, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản số 12232/SXD-HT ngày 16/12/2020 về việc lắp đặt thiết bị thí điểm xử lý mùi tại các ô chứa nước rỉ rác tại bãi rác Nam Sơn. Sở Xây dựng thống nhất giao cho JVE Group xử lý thí điểm tại hồ H4 của bãi rác Nam Sơn đã chứa sẵn nước rác chưa xử lý.

Đến ngày 28/12, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của TP Hà Nội và đại điện người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn cùng JVE Group đã tiến hành chứng kiến công tác vận hành, đánh giá mùi hôi nước rỉ rác bốc lên trước khi xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

Chính thức thí điểm khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - 2
Lắp đặt máy nano xuống hồ chứa nước rỉ rác.

Đặc biệt, để quá trình đánh giá được khách quan, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đánh giá độc lập về nồng độ mùi trước và sau xử lý trong toàn bộ giai đoạn thí điểm.

Đoàn đánh giá của các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và đại điện người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ cùng đơn vị đánh giá độc lập sẽ tiến hành đánh giá theo cả 2 phương pháp định tính (cảm quan) và định lượng (đo chỉ số nồng độ mùi bằng thiết bị đo chuyên dụng).

"Vì đây là hồ chứa nước rỉ rác với độ sâu là 6m, nên bắt buộc phải dùng phao nổi để đặt máy sục khí nano. Còn tại các dòng sông, hồ có độ sâu bình thường như sông Tô Lịch, Hồ Tây... thì phương án đặt máy sẽ là đặt chìm dưới nước nên máy sục khí nano sẽ ở dưới đáy và sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan sông Tô Lịch, Hồ Tây...", đại diện kỹ thuật của dự án cho biết.

Mùi hôi thối bốc lên từ nước rỉ rác có thể cảm nhận bằng cảm quan cho thấy mùi nồng nặc, khó chịu. Sau khi đơn vị đánh giá độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành đo mùi định lượng bằng thiết bị của Nhật Bản thì cho thấy giá trị là 999 vượt cả ngưỡng đo của thiết bị.

Bọt khí nano "lặn" lâu hơn bọt khí thông thường gần 6.000 lần

Chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản của JVE Group cho biết thêm: Không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên.

Chính thức thí điểm khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - 3

Máy sục khí nano tạo bọt trắng phủ khắp mặt hồ.

"Máy sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và ở dưới đáy được nên không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi hôi thối trong nước rỉ rác. Thực tế một địa phương ở miền Trung đã làm tại hồ Bàu Trảng thì càng sục càng bốc mùi hôi thối vì các khí độc chưa bị phân hủy và bay lên", vị chuyên gia Nhật Bản nói.

Vị chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản nói trên cho biết thêm, trong khi nếu sục khí nano Nhật Bản sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm) bọt khí nano (đường kính <50nm) của Nhật Bản sẽ "lặn" vào trong nước và xuống tầng đáy.

Thời gian "lặn" 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian "lặn" vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần. Do vậy hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi "lặn" và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv..., do vậy càng sục nano càng hết mùi hôi thối.

Chính thức thí điểm khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản - 4

Thời gian "lặn" 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian "lặn" vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần.

Theo cơ quan chuyên môn và ý kiến của người dân đánh giá thì mùi của bãi rác Nam Sơn chủ yếu là mùi do các ô chứa nước rỉ rác bay lên, và gió lùa vào khu dân cư làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã vào cuộc hết sức quyết liệt, áp dụng nhiều giải pháp để giảm mùi bốc lên như che phủ bạt HDPE lên các ô chứa nước rác tại bãi rác Nam Sơn.

Các giải pháp hiện tại mặc dù cũng đã góp phần giảm được mùi nhưng vẫn là các giải pháp "nhốt" khí, "trùm kín khí" mà chưa phải là giải pháp phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi. Công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản được cho là giải pháp căn cơ, bền vững để xử lý tận gốc được các khí gây ra mùi ở trên mà hoàn toàn không phải sử dụng hóa chất nên rất thân thiện với môi trường.

Kết quả xử lý sẽ được đánh giá khách quan bởi Đoàn đánh giá của các sở, ban, ngành, đại diện UBND, người dân 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) cùng đơn vị đánh giá độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sẽ dự kiến được công bố trong trong tháng 1/2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm