1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Chính phủ lấy ý kiến hỏa tốc về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ và cơ quan liên quan có ý kiến cụ thể bằng văn bản, gửi về Văn phòng Chính phủ trước 13h ngày 3/10.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, lấy ý kiến hỏa tốc đối với báo cáo của TPHCM về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, để có đủ cơ sở tổng hợp, báo cáo trước ngày 5/10 theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ lấy ý kiến hỏa tốc về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM - 1

Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM đã đạt hơn 90% khối lượng công việc (Ảnh: Hải Long).

Trước đó, UBND TPHCM đã báo cáo với Thủ tướng và Ủy ban Kinh tế Quốc hội về những khó khăn, vướng mắc và hướng tháo gỡ cho dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Hiện tại, dự án này gặp 3 khó khăn, vướng mắc, trong quá trình thực hiện. Cụ thể, dự án chưa được xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện khi có nhiều nội dung thay đổi, dẫn đến việc dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Dự án đang không có nguồn vốn để hoàn thành. Nguyên nhân là Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.

UBND TPHCM cũng trình bày về việc chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.

UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án. Dự án sẽ được thực hiện song song các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT, thay đổi phương án thanh toán.

Đây là cơ sở để TPHCM có thể bắt đầu thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình, giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.