Chính phủ bàn việc giảm số năm đóng BHXH, xây dựng các chính sách thuế

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ bàn thảo, xem xét đề nghị xây dựng nhiều dự án luật liên quan đến thuế; Luật BHXH sửa đổi; thí điểm cơ chế gỡ vướng cho các dự án giao thông…

Ngày 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7.

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận, xem xét 8 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người; Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ; Báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; Báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.

Nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi quản lý.

Chính phủ bàn việc giảm số năm đóng BHXH, xây dựng các chính sách thuế - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật (Ảnh: Đoàn Bắc).

Các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian, công sức, bố trí nguồn lực, nhất là nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ, chính sách cho công tác này, nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ, theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn có những vấn đề còn vướng mắc; có những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được quy định điều chỉnh.

Nêu một số định hướng lớn trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, theo Thủ tướng, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; đổi mới tư duy, cách thức thực hiện trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng cũng lưu ý phải tham vấn, lấy ý kiến đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2023. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 23 nội dung, trong đó có 8 đề nghị xây dựng luật, 9 dự án luật, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng.

Trước đó, cuối tháng 7, Thường trực Chính phủ đã họp và cho ý kiến về một số dự án luật và đề nghị xây dựng luật, trong đó có dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Thường trực Chính phủ đánh giá đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.

Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng BHXH, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán, đánh giá một cách khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.

Với thực tế về việc rút BHXH một lần, Thường trực Chính phủ đánh giá đây là vấn đề "khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội".

Thường trực Chính phủ gợi mở việc có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội, nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể.

Trong đó, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần.