Thường trực Chính phủ: Người lao động nên hạn chế rút BHXH một lần
(Dân trí) - "Cần nghiên cứu biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người lao động hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần", theo Thường trực Chính phủ.
Nội dung này được đề cập trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại hai cuộc họp về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật hôm 19 và 21/7.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật BHXH (sửa đổi), đồng thời xem xét đề nghị xây dựng Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Đánh giá kỹ việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm
Liên quan đến dự án Luật BHXH (sửa đổi), Thường trực Chính phủ đánh giá đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ liên quan một số nội dung quan trọng của dự án luật này.
Với thực tế về việc rút BHXH một lần, Thường trực Chính phủ đánh giá đây là vấn đề "khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội".
Thường trực Chính phủ gợi mở việc có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội, nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể.
Trong đó, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động tự nguyện hạn chế rút hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần.
Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm và mức đóng BHXH, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán, đánh giá một cách khoa học để bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Những vi phạm trong lĩnh vực BHXH cũng được yêu cầu xử lý thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
"Cần đánh giá rõ hành vi vi phạm và các vấn đề liên quan để đề xuất giải pháp phù hợp, đặc biệt nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện, minh bạch, không gây khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện quyền, trách nhiệm của họ", Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Bên cạnh đó, theo Thường trực Chính phủ, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối đồng bộ Cơ sở dữ liệu về dân cư để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, quản trị BHXH, tránh việc lợi dụng, tiêu cực, trục lợi chính sách BHXH.
Thống nhất đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn thu hút người dân tham gia BHXH, Thường trực Chính phủ cho rằng điều này nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
Ngoài ra, việc này cũng thể hiện chủ trương không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, hướng tới đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chính sách BHXH.
Bỏ tất cả quy định có tính chất xin - cho
Kết luận cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết, đánh giá kỹ việc thi hành các luật hiện hành. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, xác định những quy định cần bãi bỏ vì đã không còn phù hợp với thực tế hoặc chồng chéo.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý các bộ không được quy định thêm thủ tục hành chính mà chỉ giảm bớt thủ tục, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phân cấp mạnh cho cấp dưới.
"Bỏ tất cả những quy định có tính chất "xin- cho"; giao quyền cho địa phương, cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp…", Thủ tướng quán triệt.
Với những nội dung, phương án đề xuất, các cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Thủ tướng chỉ đạo phải lý giải cụ thể và có quan điểm rõ ràng. Bên cạnh đó, ông yêu cầu các cơ quan tiếp tục đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách đưa ra hiệu quả, khả thi; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách….