1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Nguyên Ủy viên thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt:

Chỉnh đốn Đảng phải làm từ trên xuống

Những ngày này, mối quan tâm đặc biệt của ông Phạm Thế Duyệt là các vấn đề đặt ra sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) mà ông bảo không thể không suy nghĩ.

Thưa ông, đã từng nhiều năm giữ vị trí cao trong Đảng, ông suy nghĩ gì vào thời gian này, sau bài phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thông báo của Ban Chấp hành Trung ương?

 
Chỉnh đốn Đảng phải làm từ trên xuống - 1
"Hội nghị Trung ương vừa rồi vẫn đánh giá là tiêu cực, tham nhũng, khuyết điểm trong Đảng ngày càng trầm trọng. Đó là vấn đề không thể không suy nghĩ - Ảnh: Hoàng Long
 

Tôi rất tâm đắc và hoan nghênh bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Tổng Bí thư và thông báo của Ban Chấp hành Trung ương. Tôi nghe dư luận chung các đồng chí lão thành, các cán bộ đã nghỉ hưu và nói chung là dư luận nhân dân cũng đồng tình. Nội dung Hội nghị Trung ương 4 đang khiến dư luận và nhân dân có niềm tin là Đảng có quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng đang tiến hành những công việc rất quan trọng của đất nước.

 

Hôm nay, tôi trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết với tư cách của một người đã từng có trọng trách trong Đảng và bây giờ vẫn nói với tinh thần trách nhiệm chứ không phải đứng ngoài cuộc mà nói. Những gì còn chưa thành công, chưa tốt, những khuyết điểm của ngày hôm nay có trách nhiệm của chúng tôi trước đây đã chưa làm được. Những ngày này tôi thấy không thể không suy nghĩ. Trước hết phải nói rằng Đảng bao giờ cũng chú trọng xây dựng Đảng. Đặc biệt mấy hôm nay tôi cứ nghĩ đến Bác Hồ. Trước khi Bác đi xa, trong lúc còn chiến tranh gian khổ, Di chúc của Bác nhấn mạnh rất đậm đến việc phải quan tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng. Người là lãnh tụ có tầm nhìn, dự báo được vấn đề. Bác dặn giữ gìn đoàn kết, giữ gìn phẩm chất đạo đức tư cách người Đảng viên, đi trước thiên hạ, lo sau thiên hạ... rồi Người lo đến giai cấp công nhân, nông dân, thanh niên nối tiếp như thế nào. Đấy, xây dựng Đảng là cả hệ thống toàn diện như thế chứ không phải chỉ có vấn đề cán bộ, đảng viên, tổ chức, không phải chỉ như thế. Bản Di chúc ấy thể hiện một tinh thần cách mạng triệt để trong tình hình mới. Bây giờ chúng ta làm được đúng Di chúc của Người thì quả thực vĩ đại lắm. Tôi nghĩ nhiều đến điều đó.

 

Từ Đại hội VI bắt đầu Đổi mới đến giờ đã 25 năm qua, các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều đề cập đến vấn đề phải cảnh giác với mặt trái của cơ chế thị trường, dự báo được tình hình trong Đảng nên luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết của Đảng lúc nào cũng nhấn mạnh đến tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, mất dân chủ của cán bộ, đảng viên. Đảng không tránh né. Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khoá VIII, Trung ương đã ra nghị quyết chuyên đề nêu khá sâu sắc, không kém gì ở Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi. Lúc đó, khi triển khai Nghị quyết tôi nói trước anh em mà cảm thấy như một lời thề với toàn Đảng, toàn dân là phải quyết tâm làm bằng được việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì tiến hành Đại hội IX, thành ra cũng chưa làm được bao nhiêu. Từ đó đến nay Đại hội nào cũng đặt ra. Nhưng đến giờ Hội nghị Trung ương vừa rồi vẫn đánh giá là tiêu cực, tham nhũng, khuyết điểm trong Đảng ngày càng trầm trọng. Đó là vấn đề không thể không suy nghĩ.

 

Như ông vừa nói vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng lúc nào cũng được đặt ra nhưng đến nay vẫn đang là vấn đề cấp bách. Vậy có thể nhận định rằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua rất nhiều Đại hội vẫn chưa hiệu quả?

 

Vừa rồi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đồng chí khác đã nói cả rồi. Bài phát biểu của Tổng Bí thư cũng đã thẳng thắn trong đánh giá, nhìn nhận khuyết điểm nhưng tôi thấy mình vẫn phải nói thêm mấy điều.

 

Trước hết là chất lượng lãnh đạo của Đảng, đội ngũ của Đảng đông nhưng chưa mạnh. Cho nên mới dẫn đến khuyết điểm kéo dài mà vẫn chưa khắc phục được. Nhiều việc biết vẫn chưa giải quyết được là do bất cập, yếu kém về tổ chức, về cán bộ lãnh đạo, về đảng viên, về trách nhiệm của người đứng đầu. Cả nước gần 4 triệu đảng viên mà sức chiến đấu, tính cách mạng không được như trước. Ta vừa tiến hành Đại hội Đảng, vừa bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhưng đừng chủ quan là đội ngũ lãnh đạo hiện nay đã là tiêu biểu, đã là mẫu mực, đã là "sáng suốt lựa chọn”, theo nghĩa là hoàn toàn được dân tin tưởng. Cũng đừng chủ quan là các cấp ủy, kể cả ở cấp cao như thế là đã yên tâm. Cần quan tâm xem còn chỗ nào, đồng chí nào còn khuyết điểm, yếu kém để khắc phục chứ bây giờ nhoáng cái đã hết 1 năm rồi, lại phải nghĩ đến Đại hội XII rồi. Đội ngũ cán bộ sẽ thế nào. Đã gọi là xây dựng chỉnh đốn Đảng thì phải hết sức bình tĩnh nhìn nhận vấn đề cho đúng. Xem xét ngay từ bây giờ đừng nên chậm trễ, cần công minh, dân chủ, trong sáng, công khai...

 

Phát huy dân chủ trong Đảng, phê bình, tự phê bình trong Đảng từ Trung ương xuống các cấp ủy cơ sở phải được củng cố. Đã quan liêu, xa rời, duy ý chí, cái gì cũng cho mình là tốt rồi thì khó phát huy dân chủ được. Đừng để cho anh em trong mỗi tập thể nói cũng không có chỗ nói, góp cũng không biết góp vào đâu, bao nhiêu ý kiến hay cũng không biết tập hợp, có ý kiến cần phản biện cũng không thể hiện được. Trách nhiệm của cấp ủy, trách nhiệm người đứng đầu phải rõ ràng. Tôi tham gia 2 khóa Bộ Chính trị mà thấy mình không làm được nhiều việc. Thành tích hay khuyết điểm cũng của Trung ương, của Bộ Chính trị mà không làm rõ được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

 

Thưa, ông đang nói đến phê bình và tự phê bình trong Đảng, nhưng nhiều ý kiến đang cho rằng phải dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng, bởi vì đôi khi tự mình không thấy hết được khuyết điểm của mình?

 

Lúc ở cương vị Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi đã nhiều lần có ý kiến Đảng phải tạo cơ chế, quy chế để triển khai thực hiện phản biện xã hội, phát huy dân chủ, khắc phục quan liêu xa dân. Tôi đã từng nói việc này đúng là khó nhưng phải làm, làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ hẹp đến rộng, làm gì cũng có sự lãnh đạo của Đảng thì không sợ gì cả. Có Quy chế phản biện cho Mặt trận thì mới phát huy được sức mạnh, chỉ ra được cái đúng cái sai. Nhiều khi chỉ ra được những người tham nhũng, tiêu cực lại do quần chúng phát hiện, do tố giác. Cho nên Đảng phải có cơ chế, quy chế cụ thể, có sự lãnh đạo chặt chẽ về phản biện. Làm được như thế thì mạnh lắm, dân sẽ vui, trong Đảng vui, trong cấp ủy với nhau cũng vui vì ngồi trước mặt nhau ngại không dám nói. Tôi làm công tác Mặt trận tôi day dứt cái này lắm.

 

Quy chế dân chủ ở cơ sở đề ra hiện nay đang đúng với ý Đảng, lòng dân. Nhiều nơi còn làm chưa tốt nhưng cũng đã có bỏ phiếu tín nhiệm ở cấp xã phường. Tôi đề nghị là bỏ phiếu tín nhiệm với cả cấp cao của Đảng, của Nhà nước. Một nhiệm kỳ cũng nên bỏ phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ, đó là sự khuyến khích, cổ vũ cái tốt, đồng thời răn đe, nhắc nhở, giáo dục với những người được tín nhiệm thấp.

 

Thưa ông, để việc xây dựng chỉnh đốn Đảng như tinh thần Hội nghị Trung ương 4 không chỉ dừng ở nghị quyết, thì cần phải làm gì?

 

Phải có kế hoạch và cách làm phải rất cụ thể. Kế hoạch không cụ thể, cách làm không cụ thể, bước đi không cụ thể là không ăn thua. Nói hay thật đấy nhưng sẽ lại "ném đá xuống ao bèo tấm”. Nên tôi rất quan tâm đến việc làm, cách làm, kế hoạch triển khai như thế nào cho thật rõ ràng. Ví dụ, tôi là một đảng viên về hưu ở chi bộ đường Thợ Nhuộm thì cũng hiểu được mình cần làm gì, ông Tổng Bí thư, ông Ủy viên Bộ Chính trị trách nhiệm phải làm gì. Làm phải từ trên xuống, toàn Đảng đều phải làm nhưng các cơ quan lãnh đạo phải chú trọng hơn. Trên là Trung ương, dưới là cấp ủy của các tỉnh thành và các Đảng ủy trực thuộc phải làm trước. Không cực đoan lên gân lên cốt nhưng gương sáng phải từ trên soi xuống, làm tốt ở trên thì dưới mới học làm theo.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Cẩm Thúy

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm