Chỉ có Bác Hồ trả lời được câu hỏi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Dân trí) - “Người ta từng đặt câu hỏi tại sao đang là một thầy giáo dạy sử ông lại thành một vị tướng giỏi được. Tốt nhất câu đó phải hỏi… Bác Hồ. Chỉ Bác mới trả lời được vì Bác đã phát hiện ra điểm gì đó đặc biệt ở thầy giáo Võ Nguyên Giáp…”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam nói khi trả lời về việc đánh giá vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử hiện đại của dân tộc…
Phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 6 kết thúc, nhiều đại biểu tỏ ý lấy làm đáng tiếc vì Quốc hội không dành thời gian để tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cảm giác của cá nhân ông?
Tôi cũng có hơi bất ngờ về việc này. Sự ra đi của Đại tướng là sự kiện rất lớn, gợi rất nhiều suy nghĩ. Tôi thấy rất nhiều người nói về việc sự ra đi của Đại tướng khiến chúng ta nhận ra rất nhiều vấn đề không chỉ về tình cảm mà về cả ý thức, không chỉ đối với cá nhân Đại tướng mà với cả một di sản một thế hệ để lại.
Sau khi Đại tướng yên nghỉ, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất nên phong tặng một danh hiệu đặc biệt dành cho Đại tướng như “Đại nguyên soái” hay gắn danh xưng “Anh hùng dân tộc” khi nói về Đại tướng như nói về nhiều bậc tiền nhân kiệt xuất khác trong lịch sử dân tộc. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Còn chức “Đại nguyên soái” có lẽ là để thể hiện tấm lòng của người dân với Đại tướng, nhất là sau khi ông qua đời càng dễ thấy rõ vấn đề ấy. Nhưng thứ nhất là luật chưa quy định vấn đề này, muốn có thì phải chờ làm luật. Và sau nữa, đó không phải là vấn đề quan trọng mà tôi cho rằng, như chính Đại tướng cũng từng nói, việc quan trọng nhất, vinh dự nhất đối với ông là danh hiệu Đại tướng do Bác Hồ phong.
Dẫu sao ai cũng biết ông là vị khai quốc công thần, vị tổng Tư lệnh đầu tiên của QĐND Việt Nam. Người Pháp khi viết về ông đã rất tế nhị khi nêu khái niệm “Đại tướng 4 sao”, tương đương cấp vị cao nhất trong hệ thống quân đội của họ.
Như ông nói, sự ra đi của Đại tướng khiến chúng ta nhận ra rất nhiều tình cảm của người dân cả nước đối với người. Nhưng một vấn đề khác cũng thể hiện là nhiều học sinh phổ thông không biết nhiều thông tin về Đại tướng cho dù chương trình đều học rất kỹ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Mỹ… Đó có phải là một điểm rất đáng tiếc, thưa ông?
Phải nói thật là có một tâm thế của người Việt Nam là khi làm lịch sử hiện đại Việt Nam rất ít nói về cá nhân. Việc này được cân nhắc thận trọng cũng như xu hướng làm tượng danh nhân vậy. Tôi thấy rất nhiều vị tướng lừng danh mà bây giờ không có tượng đài. Đây đúng là một phạm trù, quan điểm tôi cho rằng cũng nên thay đổi. Vấn đề cá nhân cần đặt đúng tầm, cần được tôn vinh trong lịch sử để thấy vai trò đóng góp của mỗi nhân vật trong nền tảng của một dân tộc, một thế hệ.
Vậy dưới góc độ một người nghiên cứu lịch sử, ông có thể khái quát gì về vị trí của Đại tướng trong lịch sử hiện đại của dân tộc?
Như tôi nói, lịch sử đương đại là vấn đề rất phức tạp nên chính thời gian sẽ là thứ thuốc hiện hình rõ nhất. Dịp vừa rồi, sự kiện Đại tướng qua đời đã làm sáng tỏ rất nhiều giá trị và tôi tin nó sẽ tác động nhiều trong đời sống xã hội, và in dấu trong lịch sử.
Một điểm cực kỳ quan trọng của Đại tướng trong những năm trước kháng chiến chống Pháp ở vai trò Bộ trưởng Nội vụ. Bác đã thấy ở ông những tố chất của 1 người học luật và ông đã là người thực sự cùng Bác Hồ kiến tạo thể chế chính trị này.
Lật lại các chứng tích lịch sử, thời kỳ đó, chỉ có 2 người được ký các Sắc lệnh đó là Bác Hồ và Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp.
Chúng ta cũng biết năm 1946 là thời điểm có đến 5 tháng liền Bác Hồ rời đất nước để sang Pháp hoạt động hòa bình. Trong lúc đó, ở trong nước đương nhiên có vai trò của cụ Huỳnh Thúc Kháng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng đóng góp trong rất nhiều lĩnh vực. Đừng quên ngay cả những năm tháng cuối đời, ông cũng có những đóng góp theo cách khác và điều đó góp phần tạo nên giá trị của ông.
Ông muốn nhấn mạnh vấn đề gì cụ thể về giai đoạn sau trong cuộc đời Đại tướng, từ sau khi hòa bình lập lại?
Không có gì là cần nói tránh, giữ ý ở đây cả, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ. Đại tướng rõ ràng vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng cho đến năm 70 tuổi, giữ chức vụ Phó Thủ tướng đến năm 80 tuổi. Như vậy, tôi cho cũng là điều rất đặc thù.
Chúng ta thường hay quên ông không chỉ là người đánh thắng đế quốc Pháp, Mỹ mà cũng là Bộ trưởng Quốc phòng trong thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Cho đến năm 1980 ông mới kết thúc trách nhiệm với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng.
Ngoài ra, ở lĩnh vực hoạt động dân sự, những tư tưởng của ông về kinh tế biển, chiến lược biển, những đường lối của ông về khoa học kỹ thuật là điều hết sức đáng trân trọng mà chúng ta vẫn phải suy nghĩ lại tại sao những tư tưởng lớn ấy, những giá trị ấy không đi vào đời sống, ít được tiếp nhận.
Sau này, khi ông đưa ra một số kiến nghị về đời sống xã hội với trách nhiệm của một công dân, một lão thành cách mạng, chúng ta cũng chỉ ít người tiếp thu. Đó cũng là một câu hỏi với chúng ta.
Phó Chủ tịch Hội Lịch sử Dương Trung Quốc cho biết, mới đây, Hội đã có công văn kiến nghị gửi UBND Hà Nội về việc chọn con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, phương án đổi tên một đường phố nào đó nên hết sức tránh vì mỗi đường phố cũ cũng đã mang cái tên hết sức ý nghĩa, đáng lưu danh. Còn chọn 1 đường mới để đặt theo tên Đại tướng cũng là bài toán không dễ vì con đường đó phải xứng tầm với Đại tướng. Hội Lịch sử kiến nghị gắn tên Đại tướng vào cùng với đường Điện Biên Phủ thành đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp. Nhấn mạnh ý nghĩa cặp tên này, ông Dương Trung Quốc cũng chỉ rõ, không gian con đường này rất đẹp, chạy thẳng ra quảng trường Ba Đình, nằm trong khu vực có nhiều đường phố mang tên các vị tướng yêu nước trong lịch sử. Phương án đặt tên Đại tướng cho con đường từ cầu Thăng Long ra sân bay Nội Bài mà UBND Hà Nội đưa ra, ông Quốc cho biết, Hội Lịch sử kiến nghị nên đặt tên đường này là đường Cách mạng tháng Tám – con đường từ chiến khu trở về thủ đô. Đến giờ Hà Nội vẫn chưa có con đường nào tên như này trong khi nhiều thành phố khác trong cả nước đã có, theo ông Quốc, là một khiếm khuyết nên bù lấp. |
P.Thảo (thực hiện)