Chênh lệch địa tô hàng chục triệu/m2, chủ yếu DN bất động sản được hưởng
(Dân trí) - "Chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển đổi mục đích sang đất ở rất lớn, có nơi chênh hàng chục triệu/m2. Phần này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng", ĐBQH chỉ ra điểm bất hợp lý.
Thực tế này được đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế), chỉ ra tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 7/4, xem xét và cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Minh đặt ra hàng loạt vấn đề và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ trong dự thảo luật sửa đổi lần này.
Hầu hết đại gia đều kinh doanh bất động sản
Theo vị đại biểu Quốc hội, chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị.
"Có nơi chênh lệch hàng chục triệu đồng/m2. Phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng và thực tế này trả lời cho câu hỏi vì sao hầu hết các đại gia của ta đều kinh doanh bất động sản và nhà thầu?", ông Minh nói.
Ông đặt câu hỏi: "Sửa luật lần này có phân phối phần lợi đó cho toàn dân theo Hiến pháp hay không?". Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh đất đai là sở hữu toàn dân, cần thu lại khoản địa tô chênh lệch để phân phối cho toàn dân. Song hướng điều tiết thế nào lại chưa được quy định trong luật.
Dẫn chứng câu chuyện ở một số nước có hàng chục triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể bán nhưng chưa được ở, ông Minh đề nghị đánh giá thực trạng này ở nước ta.
"Sửa luật lần này có giảm được đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?", ông Minh đặt câu hỏi và lưu ý làm luật phải tránh được hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Một mục tiêu quan trọng khác, theo ông Minh, việc sửa đổi luật lần này cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất nhằm tận dụng cơ hội của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, "thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ".
Ông phản ánh thực tế đất cho sản xuất kinh doanh vẫn đang quy định một quy trình như đất ở bao gồm quy hoạch, chuyển đổi, giấy phép... Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để có đất sản xuất.
Để giảm khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, ông Minh đề nghị có một điều quy định riêng về đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Về thẩm quyền thu hồi đất, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng), đề nghị quy định theo hướng: Thủ tướng quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo ông Cường, quy định như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ thẩm quyền của Thủ tướng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hóa việc tổ chức thực hiện.
Nhà nước không nên thu hồi đất cho dự án thương mại
Đề cập đến quy định về thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) đề nghị tách bạch rõ việc thu hồi đất cho thực hiện các dự án an ninh quốc phòng, và thu hồi đất để thực hiện các dự án khu đô thị mới, dự án thương mại.
"Với những dự án thương mại, nhà đầu tư kinh doanh phải có sự thỏa thuận với người dân, Nhà nước nên hạn chế thu hồi đất phục vụ cho các dự án này", ông Hòa góp ý.
Đồng thời, ông đề nghị trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.
Với quy định "khu tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ", ông Hòa cho rằng rất khó định lượng vì không biết "tốt hơn là tốt hơn thế nào".
"Ví dụ hiện nay, người dân đang sinh sống ở mặt tiền của đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) có thể thu rất nhiều tiền một ngày. Nhưng sau khi thu hồi đất, khu tái định cư của người dân không thể đảm bảo thu nhập này, nên không thể nói chỗ ở tốt hơn", vị đại biểu dẫn chứng.
Ông Hòa nhìn nhận nếu quy định như dự thảo luật sẽ mang tính "trói buộc". Thay vào đó, cần quy định lại khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ…
Ủy viên Ủy ban Pháp luật đồng thời góp ý nên quy định theo hướng cho phép người dân tái định cư có được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh, cấp quận hoặc cấp huyện. Nội dung này cũng cần được quy định rõ trong dự thảo Luật.
Nêu quan điểm về giá đất, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định), cho rằng nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay. Ông đề nghị cơ quan chức năng thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Về bồi thường tái định cư với đất Nhà nước thu hồi, vị đại biểu góp ý cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp.
"Khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đền bù tích cực trong giải quyết vấn đề. Trong tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các vấn đề bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên", vị đại biểu góp ý vào dự thảo luật.