Thu hồi đất dự án không khéo "lấy của người nghèo chia cho người giàu"
(Dân trí) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp lo ngại khi quy định về những trường hợp thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa rõ, dễ xảy ra tùy tiện khi áp dụng.
Sáng 9/3, Trường đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Viện nghiên cứu lập pháp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức hội thảo góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhìn nhận Luật Đất đai hiện hành còn nhiều hạn chế, từ việc quy hoạch sử dụng đất đến công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, thị trường đất phát triển chưa ổn định, tài chính đất đai, giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường...
"Những hạn chế này dẫn đến hậu quả nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững, số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhiều. Đặc biệt, vẫn còn câu chuyện có những cá nhân, tổ chức giàu lên nhờ đất đai một cách thiếu minh bạch, không thuyết phục. Ngược lại, hàng vạn người khánh kiệt vì đất đai, đa phần là người bình thường", ông Cường nói.
Thu hồi đất nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung còn gây băn khoăn và nhận nhiều góp ý.
Chưa yên tâm về quy định này trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng quy định chưa rõ sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.
"Có người gọi điện cho tôi thể hiện lo ngại nếu thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội không khéo sẽ thành lấy của người nghèo chia cho người giàu", ông Liên nói, đồng thời đề nghị xem xét kỹ quy định này, rà soát thật kỹ thủ tục, trình tự, không thể để chung chung.
Trong khi đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV), đề nghị dự thảo luật phải làm rõ các khái niệm liên quan tới giá đất như giá đất phổ biến trên thị trường, giá đất chuẩn, thửa đất chuẩn hay giá đất cụ thể.
Vị chuyên gia này cũng kiến nghị nên áp dụng cơ chế nếu 80% người dân đồng thuận phương án bồi thường thì Nhà nước có thể cưỡng chế thu hồi 20% còn lại. "Nhiều khi nhân văn quan trọng nhưng có đối tượng rất khó, họ chống đối, trây ỳ thì làm thế nào", ông Lực đặt vấn đề và góp ý cần ngưỡng tỷ lệ phần trăm để cưỡng chế.
Chia sẻ thực tế từ địa phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân nêu nhiều vấn đề bất cập. Điển hình như việc gia đình có một miếng đất nhưng nằm ở 2 dự án khác nhau nên giá thu hồi, thỏa thuận cũng khác nhau.
Bà Vân cho biết dự án thu hồi đất ở Bắc Ninh chỉ tính 158 triệu đồng/sào (khoảng 360m2). Trong khi đó, dự án thỏa thuận thì 1 triệu đồng/m2 mà nhiều người vẫn không nghe.
Về đề xuất cơ chế 80% người dân thu hồi đất đồng thuận với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Nhà nước sẽ thu hồi 20% còn lại như TS Lực nêu, nữ đại biểu Quốc hội đánh giá "rất hay, rất tốt", nhưng "không thể thực hiện được".
Bà lo ngại cơ chế này tạo ra tiền lệ xấu, vì muốn đủ 80% người dân đồng thuận để cưỡng chế 20% còn lại, doanh nghiệp có thể "đi cửa sau". "Khi đó, doanh nghiệp muốn làm dự án có thể cho anh này thêm mấy trăm, anh kia thêm mấy trăm, thế là thành loạn giá. Như vậy rất phức tạp vì "con ngoan" thì thiệt, còn "con hư" có lợi", bà Vân ví von. Cũng bởi vậy, bà cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định này.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Thời gian lấy ý kiến từ 3/1 đến 15/3. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp cuối năm.