1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chen chân xoa tượng hổ ở chùa Hương Tích để... chữa bệnh

Xuân Sinh

(Dân trí) - Theo Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, trước kia chùa có biển nghiêm cấm du khách sờ tượng hổ nhưng sau do du khách quá đông nên khó kiểm soát.

Tính từ mùng 1 Tết Quý Mão đến nay, có hơn 31.000 lượt du khách đến hành lễ chiêm bái chùa Hương Tích (ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Những người dân, du khách đến với ngôi chùa này để cầu cho bản thân, gia đình một năm nhiều sức khỏe, bình an cũng như thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây. Bên cạnh đó, cũng có nhiều du khách đến với ngôi chùa này là để…chữa bệnh.

Chen chân xoa tượng hổ ở chùa Hương Tích để... chữa bệnh - 1

Du khách chen chân để xoa lên tượng hổ.

Theo quan sát của PV Dân trí có một bức tượng hình được cho là con hổ đặt ở hướng đi lên khu vực chính điện chùa Hương Tích. Tượng hổ này làm bằng bê - tông, dài chừng 1m, sơn màu vàng ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi. Trước bức tượng có một chiếc bàn đá để người dân dâng lễ, thắp hương.

Cho rằng "thần hổ" có thể chữa được bách bệnh nên khi đến chùa Hương Tích người dân chen chúc nhau dùng dầu gió bôi lên tượng hổ. Sau khi thắp hương khấn vái, nhiều người dân lại dùng tay sờ, xoa tượng rồi xoa lên người mình.

Vượt hơn 100km hành hương từ tỉnh Quảng Bình về chùa Hương Tích, chị Nguyễn Thị Tự (45 tuổi) cho hay, chị đến với ngôi chùa này ngoài cầu sức khỏe, cầu bình an thì còn mục đích xoa lên tượng hổ để mong muốn có sức khỏe, chữa bệnh. 

Chen chân xoa tượng hổ ở chùa Hương Tích để... chữa bệnh - 2

Nhiều người dân tin rằng xoa lên tượng hổ có thể chữa được bệnh, nhưng chưa có cơ sở khoa học về việc này.

Do nhiều du khách xoa lên khiến nhiều vị trí của tượng hổ từ màu vàng chuyển sang màu đen.

Ông Võ Thành Chung, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích cho biết, tượng "thần hổ" đặt ở chùa Hương Tích có liên quan đến truyền thuyết công chúa Diệu Thiện.

Chen chân xoa tượng hổ ở chùa Hương Tích để... chữa bệnh - 3

Do du khách xoa nhiều nên một số điểm của tượng hổ chuyển từ màu vàng sang màu đen.

"Chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc sờ tượng hổ ở chùa Hương Tích có thể chữa bệnh. Trước kia chùa cũng có biển nghiêm cấm du khách sờ tượng hổ nhưng sau đó do số lượng du khách quá đông nên khó kiểm soát", ông Chung cho biết.

Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự, có nghĩa là chùa Thơm. Ngôi chùa này nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Chùa Hương Tích được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam", một trong số 21 thắng cảnh của nước An Nam xưa. Chùa được xây dựng vào đời Trần, thế kỷ thứ XIII, gắn với tích Công chúa Diệu Thiện - con vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa phật.