1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao về 2 vụ án nghi oan sai

(Dân trí) - Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc đình chỉ vụ án của ông Bùi Văn Quỳnh và Đặng Công Văn (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) “không phải đình chỉ vô tội, nên không có việc bồi thường oan sai”.

 

Ông Bùi Văn Quỳnh và ông Đặng Công Văn (đeo kính) vẫn đang khiếu kiện, kêu oan (Ảnh: Pháp luật TPHCM).
Ông Bùi Văn Quỳnh và ông Đặng Công Văn (đeo kính) vẫn đang khiếu kiện, kêu oan (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

 

Chất vấn tại hội trường Quốc hội hôm nay 16/11, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời rõ về vụ án nghi oan sai của hai ông Bùi Văn Quỳnh và Đặng Công Văn (Bình Phước).

Vụ việc bắt đầu từ tháng 6/2006, ông Quỳnh, ông Văn và một người nữa (cùng thuộc Ban Quản lý chợ Đồng Xoài) bị UBND thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) buộc thôi việc. Cả ba bị quy kết trong quá trình điều hành đã gây thất thoát tiền phí và lệ phí nên không đủ nộp ngân sách, phải tự bỏ tiền để bù vào khoản bị thâm hụt.

3 năm 11 tháng sau, Cơ quan điều tra Công an thị xã Đồng Xoài đã khởi tố ba người này về các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tháng 7/2011, TAND thị xã Đồng Xoài đã xét xử, kết án tù cả ba. Hai ông Quỳnh, Văn kháng cáo kêu oan. Sau đó, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Đến tháng 9/2013, cả hai ông được đình chỉ điều tra về tội cố ý làm trái vì hành vi không cấu thành tội phạm. Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, VKSND thị xã Đồng Xoài cũng đã miễn trách nhiệm hình sự cho hai ông theo khoản 2 Điều 25 Bộ luật Hình sự vì đã khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích được tặng nhiều giấy khen, bằng khen…

Theo ông Bùi Mạnh Hùng, ông Quỳnh và ông Văn liên tục kêu oan, cho rằng việc khởi tố, điều tra, xét xử rồi đình chỉ đối với mình là hình sự hóa quan hệ dân sự… Đến tháng 12/2014, vụ án này đã được đoàn giám sát án oan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đem ra mổ xẻ, bàn luận và có ý kiến là vụ án này áp dụng chưa đúng pháp luật.

Ông Hùng cho biết đoàn giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát. Báo cáo của Quốc hội, khẳng định ông Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật buộc thôi việc hơn ba năm nhưng vẫn bị xử lý hình sự là có dấu hiệu làm oan vì đã xử lý hai lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.

“Tôi nhiều lần chuyển đơn tới VKSND Tối cao, dù quá hạn trả lời nhiều lần nhưng không được hồi âm. Trước kỳ họp này tôi đã gửi chất vấn, và nhận được văn bản phúc đáp của Phó viện trưởng Nguyễn Hải Phong, nhưng lại không trả lời thẳng vào nội dung chất vấn, mà nói việc đình chỉ đối với hai công dân này là có căn cứ, quyết định của VKSND thị xã Đồng Xoài là quyết định cuối cùng”- ông Hùng nói và đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời rõ ràng tại sao một vụ án không phức tạp nhưng kéo dài tới 10 năm? Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ án này là đúng hay sai?

Trả lời đại biểu, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định vụ án này không kéo dài, bởi quyết định khởi tố tháng 7/2009 và đến tháng 10/2013 đã đình chỉ, không xem xét nữa.

“Sở dĩ kéo dài cho tới nay là do xem xét đơn thư khiếu kiện và trả lời đơn thư”- ông Bình nói rõ.

Theo Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, thực hiện Nghị quyết 96 của Quốc hội về giám sát oan sai, VKSND Tối cao đã lập đoàn liên ngành vào Bình Phước xem xét. “Kết quả không như mong đợi của anh Quỳnh, anh Văn. Chúng tôi đã trả lời là không có oan. Vì hai nhân vật này có thân nhân tốt nên liên ngành của Bình Phước đã báo cáo Thường vụ tỉnh ủy, Ban Nội chính tỉnh ủy Bình Phước và cho đình chỉ. Đình chỉ ở đây ở không phải đình chỉ vô tội, nên không có việc bồi thường oan sai”- ông Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vụ án xảy ra năm 2006 nhưng phát sinh tố tụng từ ngày 16/7/2009 khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án. “Thời điểm khởi tố vụ án mới là thời điểm phát sinh tố tụng. Sự kiện phạm tội có thể xảy ra trước đó nhưng cơ quan điều tra khởi tố lúc nào thì thời điểm tố tụng tính từ đó. Nói vụ án kéo dài 10 năm là không đúng”- ông Bình cho biết.

Ông Bình khẳng định đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói vụ án có dấu hiệu oan chứ không khẳng định oan. “Chúng tôi vào thì được nói đã xử lý hành chính rồi, không xử lý hình sự nữa. Việc xét xử một đối tượng vi phạm hành chính rồi không né được việc xử lý hình sự. Nếu tất cả đối tượng tham nhũng mà thoát tội chỉ bằng một quyết định hành chính buộc thôi việc thì không thể chấp nhận được”-ông Bình khẳng định.

Bộ Công an đang điều tra vụ chết trong nhà tạm giữ

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án của bà Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên bị chết khi bị tạm giữ, dù Chủ tịch nước đã chỉ đạo nhưng đến nay qua hơn 2 năm vẫn chưa rõ hướng giải quyết, gây bức xúc dư luận địa phương.

Theo diễn biến vụ việc, tối ngày 3/3/2012, nhà ông Nguyễn Tấn Dũng (kế bên nhà bà Yến) tổ chức hát karaoke. Cha mẹ bà Yến sang đề nghị ông Dũng tắt máy để làng xóm nghỉ thì hai bên cãi vã, ném gạch đá qua lại, làm ông này bị thương tật 12%. Ngày 18/3/2013, TAND huyện Tuy An đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bà Yến 30 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Đến ngày 1/7/2013, vụ án được TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, bà Yến vẫn tiếp tục bị VKSND huyện Tuy An gia hạn tạm giam 3 tháng. Đến chiều 7/10, sau khi bị tống đạt quyết định gia hạn tạm giam thêm 2 tháng, bà Yến đã treo cổ trong buồng giam.

Công an huyện Tuy An kết luận bà Yến chết do treo cổ tự tử và điều tra lại vụ án “cố ý gây thương tích” trước đó.

 

Người thân gia đình bà Trần Thị Hải Yến vẫn đang khiếu kiện, đề nghị làm rõ cái chết của bà Yến trong nhà tạm giữ (Ảnh: Người Lao Động).
Người thân gia đình bà Trần Thị Hải Yến vẫn đang khiếu kiện, đề nghị làm rõ cái chết của bà Yến trong nhà tạm giữ (Ảnh: Người Lao Động).

 

Giữa VKSND và công an tỉnh Phú Yên đã có những quan điểm chưa thống nhất về căn cứ tội cố ý gây thương tích của bà Yến. Sau đó, đoàn công tác liên ngành tư pháp trung ương về làm việc về vụ án này.

Theo Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình, kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y cho rằng bà Hải Yến tự sát. Gia đình không đồng tình. Thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an đang tiến hành điều tra lại cả 2 nội dung: Khởi tố vụ án có đúng không và nguyên nhân dẫn tới cái chết của bà Hải Yến.

“Hiện nay Bộ Công an đang làm và viện kiểm sát đang theo dõi, kết quả Cơ quan điều tra Bộ Công an sẽ thông tin thêm với Quốc hội”- ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Thế Kha