1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chất vấn về "thủ phạm" khiến Hà Nội cứ mưa là ngập

Quang Phong Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, việc úng ngập khu vực phía Tây của Hà Nội thời gian qua một phần do Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chậm tiến độ, nhưng "không phải nguyên nhân cơ bản".

Chỉ chậm tiến độ 6 tháng, không phải chậm 10 năm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở cuộc họp HĐND TP Hà Nội sáng 7/7, đại biểu Trần Hợp Dũng nêu thông tin về việc Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Hoài Đức) đã chậm 10 năm, điều này có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước ở phía Tây Hà Nội không? Ông Dũng cũng đề nghị lãnh đạo các Sở cho biết rõ về vướng mắc, nguyên nhân việc chậm của dự án và giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được phê duyệt năm 2013, đã điều chỉnh năm 2019, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Vì vậy, dự án đang chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt, không phải chậm 10 năm.

Chất vấn về thủ phạm khiến Hà Nội cứ mưa là ngập  - 1

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Ông Mỹ nêu các số thông số kỹ thuật của trạm bơm và cho rằng việc úng ngập khu vực phía Tây của Hà Nội thời gian qua một phần do Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chậm tiến độ, nhưng "không phải nguyên nhân cơ bản". Vì theo quy hoạch, một số trạm bơm lớn khác chưa được xây dựng. Hết năm 2018, Trạm bơm Yên Nghĩa đã xây dựng xong phần đầu mối, gồm trạm bơm, bể hút, bể xả, cống xả tiêu và đã đảm bảo tiêu úng.

Năm 2019, kênh dẫn nước La Khê dài hơn 5,7km bắt đầu triển khai đấu thầu xây dựng. Đến thời điểm này, dự án đã ép cọc được hơn 70%, tổng khối lượng trên công trường hơn 68%...

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã ngắt lời ông Mỹ, yêu cầu ông Mỹ "không nói về công suất". Thay vào đó, cần làm rõ việc dự án bị chậm là do vướng mắc ở đâu, cam kết bao giờ xong, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nào?

Trao đổi lại, ông Mỹ cho biết, dự án hiện còn vướng mắc khoảng 30%, liên quan phần kênh. Diện tích giải phóng mặt bằng ở Hà Đông khoảng 307.000m2 nhưng hiện quận này mới bàn giao được 161.000m2, còn 145.000 m2 (593 hộ) và toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh chưa bàn giao.

Vì chưa giải phóng hoàn toàn mặt bằng nên các đơn vị thi công của Sở không thực hiện được, phải tạm dừng từ cuối năm 2019. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với quận Hà Đông để tháo gỡ khó khăn. Khi có bàn giao mặt bằng đầy đủ, chủ đầu tư cam kết thi công xong sau 6 tháng.

Vướng mắc chủ yếu do việc giải phóng mặt bằng

Liên quan đến Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, dự án có tổng diện tích là 51,6ha, trong đó diện tích quận phải giải phóng mặt bằng là 30,7ha.

Dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đã giải phóng 17,74ha, giai đoạn 2 là 12,9ha thuộc địa bàn 6 phường, liên quan đến 652 tổ chức, hộ gia đình nằm dọc hai bên kênh La Khê. Kết quả đến nay, quận đã giải phóng mặt bằng xong 20,5ha, đạt 66,7%. Cuối tháng 6/2022 có 16 hộ đã tự giác bàn giao mặt bằng. Hiện còn 10,24ha liên quan đến 487 tổ chức, hộ gia đình chưa giải phóng mặt bằng.

Chất vấn về thủ phạm khiến Hà Nội cứ mưa là ngập  - 2

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà (Ảnh: Nguyễn Hợp).

"Quận đã kiểm đếm xong 100%, đã thẩm tra dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, đang trong quá trình niêm yết công khai trước khi phê duyệt với 277 tổ chức, hộ gia đình (diện tích 1,27ha) và đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, chi trả tiền với 93 hộ (diện tích 2,25ha) với số tiền 42,2 tỷ đồng" - bà Hà thông tin thêm.

Đáng chú ý, theo bà Hà, hiện nay những hộ đã được phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường cũng chưa nhận tiền và cũng chưa phối hợp với quận trong việc bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, còn 117 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc phức tạp, chưa thống nhất như lấn chiếm, giao trái thẩm quyền, mua bán chuyển nhượng viết tay qua nhiều người... Các phường đang hoàn thiện hồ sơ, phương án để xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nói thêm về nguyên nhân chậm tiến độ 6 tháng, bà Hà thông tin do tồn tại lịch sử về công tác quản lý đất đai các thời kỳ; người dân không phối hợp, không cung cấp được hồ sơ đất, xác nhận tình trạng ăn ở. Thị trường bất động sản biến động càng khiến người dân chưa đồng thuận, xảy ra khiếu kiện…

Trả lời câu hỏi về mốc thời gian cụ thể, bà Hà nêu, đến quý III sẽ bàn giao tối thiểu 85% mặt bằng và đến hết năm 2022 sẽ bàn giao 100% mặt bằng.

Chất vấn về thủ phạm khiến Hà Nội cứ mưa là ngập  - 3

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, qua hai lần điều chỉnh, thời gian hoàn thành dự án là hết năm 2022. Hiện vướng mắc chủ yếu là việc giải phóng mặt bằng xây dựng kênh dẫn nước La Khê.

Ông Quyền cho biết, tháng 6 vừa qua đã xuống Hà Đông, họp và chỉ đạo xử lý từng việc liên quan. Chậm nhất năm 2022 phải hoàn thành xong giải phóng mặt bằng theo kế hoạch. Sau khi có mặt bằng sạch, Sở NN&PTNT cam kết thi công 6 tháng xong, nghĩa là đầu năm 2023 sẽ xong.

"Về câu hỏi việc chậm triển khai trạm bơm này có ảnh hưởng đến thoát úng ngập không thì rõ ràng là ảnh hưởng đến một phần việc thoát úng ngập ở phía Tây. Vừa qua, sau mấy trận mưa lớn chúng tôi đã chỉ đạo sở NN&PTNT cùng các nhà thầu khơi thông toàn bộ kênh La Khê để đưa nước vào trạm bơm vận hành, bơm tiêu úng ngập" - ông Quyền cho hay.

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội xuất hiện nghịch lý mưa "không lối thoát" nhưng trạm bơm nghìn tỷ lại "tắc" vì thiếu nước.

Theo đó, mỗi khi Hà Nội xuất hiện mưa lớn kéo dài thì các tuyến đường, phố như Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy), đường gom Đại lộ Thăng Long và nút giao An Khánh (nằm trên quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông), đường Quang Trung kéo dài (đoạn thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông)… đều xảy ra ngập úng cục bộ.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu là do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Tuy nhiên, nước mưa không thể thoát theo hệ thống kênh La Khê về bể hút tại Trạm bơm tiêu nước ở phía Tây của Hà Nội (trạm bơm Yên Nghĩa).

Vì vậy, dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thiện xong, đủ điều kiện để vận hành phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn, ngập úng xảy ra cho các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoài Đức… nhưng trên thực tế lại "khát" nước, không thể hoạt động hết công suất.