Chất lượng MBH: Sẽ “xử điểm” để răn đe
(Dân trí) - Hơn 1/3 mũ bảo hiểm (MBH) nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn. Chỉ có 10/37 doanh nghiệp trên cả nước sản xuất MBH đăng ký nhãn hiệu hàng hóa... Bộ trưởng Bộ KHCN khẳng định thời gian tới sẽ làm nghiêm một số vụ để răn đe.
Những thông tin này được đưa ra tại cuộc họp ngày 17/9 tại Hà Nội, giữa Bộ KHCN cùng các Bộ, ngành liên quan nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất trong quản lý chất lượng của MBH.
Hơn 80% MBH không qua kiểm tra chất lượng
Hiện cả nước có khoảng 37 doanh nghiệp (DN) sản xuất MBH tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Theo quy định, các DN phải công bố hàng hoá phù hợp TCVN 5756:2001 và gắn dấu “CS” lên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, tuy nhiên chỉ có 10 DN trong số này đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Trong tháng 9 sẽ công bố MBH đạt chất lượng
MBH sản xuất trong nước phải ghi rõ tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức (cá nhân) sản xuất. Đối với mũ nhập khẩu phải có nhãn phụ ghi rõ tên và địa chỉ của đơn vị nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong cho biết, trong tháng chín này sẽ công bố công khai các loại MBH đảm bảo chất lượng và những cơ sở sản xuất, nhập khẩu MBH đảm bảo chất lượng. |
Giải thích về vấn đề này, ông Đặng Quang Huấn, Phó chánh thanh tra Bộ KHCN cho biết, hiện có chế tài xử lý vi phạm về nhãn mác nhưng không có chế tài tịch thu sản phẩm. Điều này có nghĩa, nếu cơ quan chức năng phát hiện MBH không dán tem thì phải trả lại nhà sản xuất để họ… công bố và dán tem.
Ông Huấn đặt vấn đề: nên chăng nới rộng chế tài, cho phép tịch thu những loại MBH vi phạm về tem, nhãn mác vì sự an toàn của người dân?
Trong khi đó, ông Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, tính đến 12/9, có 24/64 Chi cục báo cáo kết quả triển khai đợt kiểm tra chất lượng và ghi nhãn MBH lưu thông trên thị trường (với 210 cơ sở, 2.341 lô mũ và 111 nhãn hiệu mũ).
Qua kiểm tra, chỉ có 63,4% số lô mũ sản xuất trong nước có dấu “CS”. Có tới 81,8% số lô mũ không qua kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu. Đáng chú ý, một số sản phẩm giống nhau, tại cửa hàng này thì có dấu “CS”, trong khi tại cửa hàng khác lại không. Hiện tượng này chứng tỏ có biểu hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Cần có một “cây gậy” pháp lý
Một đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia nêu vấn đề, hiện VN có khoảng 20 triệu xe máy nếu tính số lượng MBH theo số lượng xe sẽ thiếu hơn 10 triệu chiếc. Qua đánh giá 1 vài năm trước thì số lượng người đội MBH chỉ đạt từ 15-20%.
Tuy nhiên, Bộ KHCN và các Bộ, ngành liên quan lại cho rằng không nên chú trọng việc làm thế nào cho đủ số mũ vì sắp tới sẽ có nhiều MBH được nhập khẩu, một số hãng xe có xu hướng bán kèm theo mũ. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề quản lý chất lượng của MBH như thế nào.
Hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng đề án tăng cường công tác quản lý chất lượng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy. Theo mục tiêu của đề án này, tất cả các cơ sở sản xuất lắp ráp MBH trong nước đều phải thực hiện nghiêm chỉnh việc công bố phù hợp tiêu chuẩn TCVN 5757:2001 và gắn dấu “CS” lên sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, đề án này cũng nói rõ, tất cả các lô hàng MBH nhập khẩu đều phải được kiểm tra chất lượng và dán tem đã qua kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu hoặc tem chứng nhận của tổ chức chứng nhận, thử nghiệm nước ngoài thừa nhận. |
Về nhãn mác MBH, các đại biểu đề xuất nên có một loại tem thống nhất phát hành cho mẫu MBH đảm bảo chất lượng. Trong nước các DN phải đăng ký và được cấp tem theo số lượng hàng hóa đã đăng ký. Mũ nhập khẩu cũng phải kiểm tra từng kiểu mũ trong một lô.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phong lại cho rằng sẽ khó có đủ kỹ thuật thực hiện. Việc kiểm định từng chiếc là không thể vì mỗi lô hàng có vài chục ngàn chiếc. Do đó, giải pháp trước mắt vẫn là tiêu hủy hết những chiếc mũ đã tịch thu.
Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ KHCN) Đoàn Năng, quản lý phải kiên quyết, phải xử lý tận gốc chứ không chỉ xử lý nhập khẩu hay hàng đang trôi nổi hiện nay. Vì thế, cần đánh mạnh vào các nhà sản xuất và kinh doanh mũ nhập khẩu không tuân thủ quy định.
Thừa nhận những mặt yếu kém trong quản lý chất lượng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong khẳng định, thời gian sắp tới, các cơ quan hữu quan sẽ kết hợp, xử lý nghiêm một số vụ lớn để “răn đe” các nhà sản xuất, thể hiện sự quyết liệt trong quản lý.
Phúc Hưng - Trần Hưng