1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Chánh án TAND TP Đà Nẵng nói về 28 tài sản liên quan đến Vũ "nhôm"

Khánh Hồng

(Dân trí) - Trong vụ Phan Văn Anh Vũ, bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật và tuyên kê biên 28 tài sản để đảm bảo thi hành án...

Sáng 17/12, Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục phiên chất vấn.

Đại biểu Lương Công Tuấn nêu ý kiến, năm 2021, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố đã làm tốt công tác xét xử, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên số bản án, quyết định của TAND thành phố và TAND quận/huyện bị sửa, bị hủy do nguyên nhân chủ quan vẫn diễn ra, mặc dù tỷ lệ thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đại biểu Tuấn đề nghị Chánh án TAND thành phố cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP Đà Nẵng - cho biết, nguyên nhân dẫn đến án bị hủy, sửa là do áp dụng sai về pháp luật nội dung và áp dụng sai về pháp luật tố tụng.

Chánh án TAND TP Đà Nẵng nói về 28 tài sản liên quan đến Vũ nhôm - 1

Bà Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP Đà Nẵng trả lời chất vấn tại Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng (Ảnh: HĐND TP Đà Nẵng).

Những vụ án bị hủy này chủ yếu rơi vào những vụ án dân sự mà tính chất vụ án dân sự ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, quan hệ pháp luật đan xen lẫn nhau. Chính sách pháp luật cũng có nhiều thay đổi, nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến đất đai, nhà ở, thuế, ngân hàng…, một số quy định pháp luật chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Bà Cảnh nêu ví dụ về bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba. Đó là, trong pháp luật dân sự, nếu người thứ 3 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì pháp luật quy định phải bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nhưng vẫn có quan điểm "dân sự trong hình sự", đa số cho rằng khi đối tượng phạm tội đã chiếm đoạt tài sản chuyển nhượng cho bên thứ ba thì về nguyên tắc tài sản do người phạm tội mà có là phải thu hồi để trả lại cho người bị hại.

"Cụ thể nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ. Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có hiệu lực pháp luật và tuyên kê biên 28 tài sản để đảm bảo thi hành án. Nhưng quá trình thi hành án thì cơ quan thi hành án lại cho rằng những người có quyền lợi liên quan đến 28 tài sản này có quyền khởi kiện ra tòa.

Nhưng quan điểm của TAND TP Đà Nẵng là sự việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ không giải quyết nữa. Cho nên những đơn khởi kiện liên quan đến những tài sản này, TAND TP Đà Nẵng trả lại", bà Cảnh cho hay.

Theo bà Cảnh, các đương sự đã có khiếu nại lên Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng cũng giữ nguyên quan điểm như TAND thành phố.

"Đây là ví dụ cụ thể để thấy rằng việc hiểu quy định pháp luật và vận dụng thế nào cũng còn nhiều vấn đề tranh cãi", bà Cảnh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm