Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Máy quay chĩa vào mặt sẽ khiến HĐXX bị phân tâm"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhắc đến kinh nghiệm thế giới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình để đảm bảo chất lượng phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích lúc xét xử, máy quay vào mặt sẽ khiến HĐXX bị phân tâm.

Chiều 26/3, sau khi nghe nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có giải trình làm rõ một số vấn đề lớn.

Về quy định liên quan đến ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định "không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan truyền thông về vụ án, chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử".

"Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản, không điều chỉnh. Nhưng việc tổ chức phiên tòa do tòa thực hiện, phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật; bảo đảm chất lượng; bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc", ông Bình nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Máy quay chĩa vào mặt sẽ khiến HĐXX bị phân tâm - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông giải thích để thực hiện được 3 yêu cầu này, Tòa án phải quy định việc truyền thông vì nếu tổ chức phiên tòa mà để vi phạm quyền con người, tức là tòa vi phạm.

Dẫn chứng, Chánh án cho biết với một vụ án ly hôn, khi ra tòa chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó nếu ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng sẽ rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người. "Họ cũng không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn, rất nhiều nội dung nhạy cảm, kể cả người phạm tội cũng vậy", ông Bình nêu quan điểm.

Ông cũng nhắc đến kinh nghiệm thế giới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình để đảm bảo chất lượng phiên tòa.

"Lúc xét xử, HĐXX, VKS, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ nhưng cứ chĩa máy quay vào mặt sẽ khiến người ta bị phân tâm. Vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất, người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười vì bản thân HĐXX, KSV, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu", Chánh án Tòa Tối cao lý giải.

Ông nhấn mạnh quy định cấm ghi âm, ghi hình trong phiên tòa nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Nhắc đến tính nghiêm túc trong phiên xét xử, Chánh án cho rằng việc ghi âm, ghi hình, livestream, đi lại trong phiên tòa để tìm góc quay có thể ảnh hưởng đến tính nghiêm túc.

Tiếp thu ý kiến, ông Bình cho biết cơ quan soạn thảo quy định Tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, lưu trong hồ sơ vụ án.

Về tên gọi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là quy định của Đảng xuyên suốt từ trước tới nay, nêu rõ tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Máy quay chĩa vào mặt sẽ khiến HĐXX bị phân tâm - 2

Các đại biểu dự hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 (Ảnh: Phạm Thắng).

"Luật không quy định tòa án cấp tỉnh làm cái này, cấp huyện làm cái kia, mà chỉ quy định công việc của tòa sơ thẩm, phúc thẩm… Bản án cũng không nói Tòa án Hà Nội làm cái này, Tòa án Ba Đình làm cái kia, mà chỉ nói tòa sơ thẩm quyết định thế này, tòa phúc thẩm quyết định thế kia", ông Bình dẫn chứng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Bình cho biết không có nước nào tổ chức tòa án cấp tỉnh, cấp huyện vì "đây là thẩm quyền, quyền lực quốc gia".

Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, cấp huyện nhưng không đổi thẩm quyền, song theo Chánh án Tòa Tối cao, báo cáo đã nêu rõ đổi tên và đổi cả thẩm quyền, theo thẩm quyền xét xử. Trong đó rất nhiều nội dung được bổ sung, thay đổi. Thẩm quyền sẽ nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án.

"Chúng ta đã tiến một bước, phân công cho tòa cấp huyện xử những vụ có mức án đến 15 năm. Thực tế trình độ hiện nay, tòa cấp huyện có thể xử đến án chung thân, tử hình nhưng cũng cần có bước đi hợp lý", ông Bình nói.

Ông cũng dẫn chứng một số vụ có yếu tố nước ngoài chuyển lên tòa cấp tỉnh, nhưng thực tế năng lực tòa cấp huyện, đặc biệt là tòa cấp quận của Hà Nội và TPHCM cũng có thể xử được các vụ án có yếu tố nước ngoài. "Không việc gì phải lên tỉnh làm việc này", Chánh án nhấn mạnh.

Ông khẳng định việc này quan trọng nhất là đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa.

Với những lập luận ấy, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị lập 2 phương án về tên gọi của tòa để giải trình trước Quốc hội. "Hiện nay chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm, đây là xu hướng thế giới", ông Bình nói thêm và cho rằng nếu không sửa bây giờ sẽ lỡ cơ hội đổi mới triệt để hoạt động tòa án.