Đại biểu Quốc hội không muốn đổi tên tòa án vì lo phát sinh chi phí

Hoài Thu

(Dân trí) - Với phương án đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh và cấp huyện lần lượt thành Tòa phúc thẩm và sơ thẩm, nhiều ĐBQH không ủng hộ và cho rằng đây chỉ là đổi mới đơn thuần, có thể gây phát sinh chi phí.

Ngày 26/3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi với một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, trong đó có quy định liên quan việc tổ chức TAND.

TAND Tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, đề nghị quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Song theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

Dự thảo luật lần này trình xây dựng 2 phương án để đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội không muốn đổi tên tòa án vì lo phát sinh chi phí - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Phạm Thắng).

Thể hiện quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc thay đổi này là không cần thiết.

Để tránh tình trạng "bình mới rượu cũ", hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi, nữ đại biểu Quốc hội cho rằng nên giữ nguyên tên gọi 2 cấp tòa như hiện hành, vì đổi mới không tạo ra những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử.

"Hệ thống tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật", bà Nga nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội không muốn đổi tên tòa án vì lo phát sinh chi phí - 2

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Ảnh: Phạm Thắng).

Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) ủng hộ phương án giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo nữ đại biểu, tòa án đang tổ chức theo mô hình 4 cấp, đây là mô hình kết hợp giữa tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và cấp xét xử.

"Phương án đổi tên gọi là hình thức, chỉ đổi tên gọi còn không thay đổi về nội dung và phương thức. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử", bà Thúy nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, bà cho rằng việc đổi tên gọi sẽ dẫn tới việc không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát…, dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan.

"Đổi tên gọi Tòa án còn làm phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, biển hiệu, giấy tờ…", đại biểu Thúy băn khoăn.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng nội dung trên được trình tại kỳ họp 6 với kỳ vọng tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không giới hạn bởi địa giới hành chính. Nhưng nội hàm của vấn đề này dự thảo luật lại không thể hiện được.

Đại biểu Quốc hội không muốn đổi tên tòa án vì lo phát sinh chi phí - 3

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Ảnh: Phạm Thắng).

Vì thế, ông ủng hộ phương án giữ nguyên tên gọi của tòa án.

Trước đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng đổi tên gọi nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án vẫn không thay đổi nên đề xuất này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 27 về "khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính", "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử", không thống nhất với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương.

Theo cơ quan thẩm tra, việc thay đổi tên gọi còn dẫn tới phải sửa đổi nhiều đạo luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; phát sinh chi phí tuân thủ như: sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ...