Đề xuất nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình phiên tòa khi chủ tọa cho phép

Hoài Thu

(Dân trí) - Khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định, việc ghi âm, ghi hình của HĐXX, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác trong phiên tòa, chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ tọa.

Đây là nội dung mới đáng chú ý, được đề cập trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Dự kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 26/3, các đại biểu sẽ cho ý kiến đối với dự án luật này.

Quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp là một trong những nội dung được Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đáng chú ý, khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…

Đề xuất nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình phiên tòa khi chủ tọa cho phép - 1

Hình ảnh phiên xét xử một vụ án cho vay nặng lãi hôm 20/3 (Ảnh: Bình An).

Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định này, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh...

"Các thông tin, chứng cứ này cần được HĐXX xem xét, kết luận trong bản án, quyết định", cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Vì thế, quy định như trong dự thảo luật, theo cơ quan thẩm tra, góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Thường trực Ủy ban Tư pháp và TAND Tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng quy định việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua Tòa án là chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Ý kiến này đề nghị việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa nên quy định như luật tố tụng hiện hành.

Cụ thể, khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

Thể hiện quan điểm khi góp ý vào dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

Không được truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên tòa

Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định về "Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp", nêu rõ người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ.

Dự thảo luật cũng quy định người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án.