Chặn đứng “pháo đài bay” B52
‘Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”, đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đặt câu hỏi.
Nỗi ám ảnh SAM 2 ở Hà Nội
Ngày 8/1/1973, báo Tuần tin tức (News Week) chua chát với chính quyền Nixon bằng câu bình luận về chiến dịch Linebacker 2: "Nếu B52 ra Bắc Việt Nam và chịu đựng thiệt hại như mức độ vừa qua thì chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng cuối cùng Mỹ sẽ hết nhẵn B52".
Trong khi đó, từ ngày 28/12/1972, Thượng nghị sỹ Mỹ McGovern đã tuyên bố thẳng thừng: "Việc ném bom Bắc Việt Nam cần phải ngừng vì lý do thuần túy quân sự là số thiệt hại về máy bay quá lớn.
... Sẽ không thể có hòa bình và tù binh Mỹ không được về nước chừng nào việc ném bom chưa chấm dứt. Ném bom không mang lại hòa bình, nó chỉ làm cho chiến tranh lan rộng hơn và đẫm máu hơn.
Không quân Mỹ chỉ có 400 máy bay B52, thế mà trong 2 tuần qua đã mất 11 chiếc ở Bắc Việt Nam (11 chiếc là con số mà Mỹ thừa nhận đến ngày 26/12-NV). Chỉ riêng điều đó, chính sách ném bom là vô nghĩa".
Người Mỹ, đặc biệt là các cựu quân nhân Mỹ, những chỉ huy của quân đội Mỹ, những nhà nghiên cứu quân sự... đã đi tìm kiếm rất lâu câu trả lời tại sao Hà Nội lại có thể "xơi" B52 một cách "ngọt" như thế trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"?
(ảnh tư liệu)
Sai lầm về chiến thuật?
Charles Barrows, đại úy hoa tiêu B52 bị bắt làm tù binh đặt vấn đề ngay khi còn ngồi ở Hỏa Lò: "Hệ thống điện tử trên máy bay B52 rất tinh vi và đắt tiền nhưng vẫn không gây nhiễu nổi ra-đa Bắc Việt.
Siêu pháo đài bay B52 đã cải tiến nhiều lần, máy móc rất tốt... Các phi công B52 được huấn luyện công phu, thành thạo các chiến thuật hiện đại và B52 được bảo vệ dày đặc, nhưng vẫn bị bắn rơi vì đạn phòng không... Không quân chiến lược của Mỹ không thể chịu đựng nổi tỷ lệ tổn thất về B52 trên bầu trời Hà Nội".
Câu hỏi này của Charles Barrows đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra theo hướng ngược lại với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không VNDCCH từ tháng 5/1972: "Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?".
Cho đến lúc đó các phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó.
Sau mấy tuần vật lộn với những con số, câu trả lời đã được đưa ra:
- N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1 -2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ);
- N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;
- N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.
Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh với Quân chủng Phòng không Không quân là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.
Đại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.
Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, tỷ lệ B52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.
Đại úy phi công lái B52 Robert E. Wolff, cũng bị bắt tại Hà Nội, lại có phân tích khác (trên tờ Air Force Magazine năm 1979): "Khi bay hướng Bắc về phía Trung Quốc, chúng tôi lắng nghe máy bay chiến đấu bắn phá và máy bay gây nhiễu ngăn cản hệ thống phòng thủ của Hà Nội hoạt động. Các máy bay F111 hoàn thành được nhiệm vụ của chúng, một vài máy bay MIG vẫn cất cánh được.
Máy bay chiến đấu càn quét của chúng tôi gặp khó khăn trong việc liên lạc với tàu hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, làm nhiệm vụ phối hợp chặn máy bay đối phương. Các phi công của máy bay hộ tống chúng tôi không thể khai hỏa nếu không nhận được sự cho phép vì chúng tôi không muốn có một sai lầm nào trong việc nhận định địch - bạn.
Viên phi công Mỹ còn nhớ, "ở đây chúng tôi đã có một suy nghĩ. Nhiều phi công trong toán bay tưởng rằng đoạn bay trong lúc bắn phá của phi vụ sẽ là đoạn nguy hiểm nhất. Nhưng trên thực tế, giai đoạn rời khỏi mục tiêu cũng khó khăn không kém. Chúng tôi phát hiện ra là các ác tên lửa SAM đạt hiệu suất cao nhất khi các máy bay B52 đổi hướng lần cuối cùng để rời mục tiêu, vì lúc này ra-đa của đối phương thu nhận được hình ảnh tối đa của máy bay".
Người ta đã bàn luận nhiều về khía cạnh đó của chiến dịch. Mâu thuẫn gay gắt nhất giữa các tay súng và Bộ tham mưu chiến dịch là về "thế đi của đàn voi con". Đội hình kéo dài nhiều dặm, các máy bay cùng theo một đường, một độ cao, một hướng. Cả 36 máy bay đến một điểm nhất định rồi lần lượt đổi hướng thì chẳng cần tài giỏi gì phe phòng thủ cũng biết nhằm vào đâu để bắn chiếc 37".
Đại úy phi công Drenkowski tán thành quan điểm này, nhưng đặt thêm những vấn đề cũng trên tạp chí Air Force: "Tên lửa, pháo phòng không bắn lên dày đặc. B52 thực hiện các thao tác né tránh, tuy biết rằng né tránh cũng chẳng mang lại kết quả gì. Kẻ thù của B52 là tên lửa SAM.
Trong khi bay từng tốp 3 chiếc, kẻ thù của B52 còn là những vụ đụng vào nhau ở trên trời. Lúc này, vũ khí đáng sợ nhất với B52 lại là một chiếc B52 khác đang bay gần cạnh nó. Các nhân viên phi hành bối rối khi thấy ở phía trước lại có B52 bị bắn rơi, trong khi đạn pháo phòng không vẫn nổ tới tấp bốn phía xung quanh.
Trong đêm 19/12, người ta biết chắc chắn là đã có một số B52 bị bắn rơi. Cả 2 chiếc B52G này đều bị trúng tên lửa đúng lúc ngoặt để bay ra khỏi mục tiêu, và rơi gần Hà Nôi. Các toán B52 tiếp sau cũng bị SAM bay lên đón đánh dữ dội. Một B52 khác bị thương bay về đến Lào thì rơi. Đến ngày 20/12, 6 chiếc B52 bị bắn rơi trong 9 giờ.
Vậy là 3 ngày, 300 lần B52 xuất kích, bị bắn rơi 9 chiếc, tỷ lệ tổn thất tới 3%, một tỷ lệ không thể nào chấp nhận. Những máy bay B52 bị bắn rơi lại là những B52G đã được trang bị khí tài gây nhiễu rất mạnh...
Các kíp lái cho rằng tổn thất B52 quá lớn là do việc vạch kế hoạch tồi, chiến thuật kém. Họ thấy cần thu hẹp vòng ngoặt để nhanh chóng thoát khỏi mục tiêu, bay ra vịnh Bắc Bộ. Họ muốn được phép làm các động tác cơ động né tránh, bay theo các đường đan chéo nhau, thu ngắn đội hình, từ nhiều hướng tiếp cận các mục tiêu, độ cao khác nhau thay đổi liên tục không theo quy luật để đối phương khó đối phó. Nhưng như vậy lại vẫn tăng thêm nguy cơ là chính B52 đâm phải nhau trên không".
Sự ám ảnh SAM2
Tên lửa SAM 2, vẫn được xem là kẻ thù của B52, vì được thiết kế bắn tới độ cao B52 thường sử dụng, vốn được Hà Nội gọi tên là "rồng lửa Thăng Long", trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Thủ đô là mối đe dọa lớn nhất, trở thành nối ám ảnh cho bất cứ kíp bay B52 nào nhận nhiệm vụ mang bom ra vùng châu thổ Sông Hồng.
Tuy nhiên, nghệ thuật điều khiển SAM của lực lượng phòng không - không quân Hà Nội lại là cái khiến người Mỹ phải nghiêng mình.
Trên tạp chí "Không quân Mỹ", John L.Frisbee viết: "Trong thời kỳ chiến tranh thế giới 2, tổn thất máy bay ném bom bị phòng không hay máy bay chiến đấu đối phương bắn hạ tại hai chiến trường chính yếu được ước tính trung bình: cứ 64 phi xuất thì có 1 chiếc bị bắn hạ và lúc ấy chưa có tên lửa SAM hữu hiệu. Trái lại, trên không phận Hà Nội và Hải Phòng thì cứ 49 phi xuất lại có một B52 bị SAM bắn rơi".
Cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ khi trả lời tạp chí AirForce vào tháng 6/1973 cũng thừa nhận: "Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất... Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn dễ bị tổn thương.
...Bắc Việt đã bắn hạ hàng chục B52 bằng cách ngắm bắn bằng mắt thường. Chúng tôi cho rằng Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm nhất thế giới. Rõ ràng họ có kinh nghiệm hơn bất cứ nước nào trong việc phóng tên lửa SAM lên để hạ máy bay".
Cũng Drenkowski, trong "Về chiến dịch Linebacker 2", phân tích: "Những người điều khiển tên lửa SAM khôn ngoan đã quan sát ngay chiếc B52 đi đầu ngoặt khỏi mục tiêu. Họ phóng lên một quả SAM để tên lửa bay theo đường đạn 45 giây tới gần chỗ B52 phải ngoặt. Họ dùng 5-10 giây điều khiển quả tên lửa "khóa" vào điểm ngoặt, sao cho khi tên lửa đến đó vừa đúng lúc chiếc B52 tiếp theo vừa bay tới. Thật ngon xơi!".
John T. Greenwood, trong cuốn "Chiến tranh Việt Nam" (Vietnam War) chỉ rõ: "Để lợi dụng khả năng có gió mạnh thổi từ hướng Tây Bắc, các máy bay bao giờ cũng từ phía Tây Bắc bay vào các mục tiêu lớn ở Hà Nội. Ngay sau khi trút bom, máy bay phải lượn vòng rất lớn ra phía sau mục tiêu để thoát ra ngoài tầm bắn của tên lửa đất đối không càng nhanh càng tốt.
Theo quy định, các tốp trong đội hình tiến công của B52 chỉ được bay ở các độ cao và hướng khác nhau rất nhỏ. Các tốp phải bám chặc đội hình để làm giảm khả năng dễ bị tổn thương vì tên lửa đổi phương, để tăng hiệu quả bảo vệ của các phương tiện gây nhiễu điện tử trong đội hình và giữa các tốp, để giữ đội hình trong hành lang có thả sợi nhiễu.
Vì các phi công thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược ít khi bay trong các đội hình lớn vào ban đêm và vì vùng trời Hà Nội chật hẹp sẽ đông đặc máy bay, nên các phi công được lệnh tránh va chạm bằng cách càng ít thực hiện động tác cơ động càng tốt.
Những chiếc B52 đầu tiên trong đêm 18/12 ném bom các sân bay Hòa Lạc, Kép và Phúc Yên.
Sau đó, Kinh Nỗ và Yên Viên bị ném bom. Chiếc máy bay mang mật danh "Than củi" dẫn đầu 9 chiếc B52 cất cánh từ Guam khi đánh vào nhà kho Yên Viên, Ai Mỗ bị 2 tên lửa SAM bắn trúng trước khi kịp trút bom và rơi xuống phía tây bắc Hà Nội. Đó là chiếc B52 đầu tiên bị hỏa lực phòng không Hà Nội bắn rơi trong chiến dịch và là chiếc thứ 2 bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh.
Đến nửa đêm, 30 máy bay cất cánh từ Guam oanh tạc Hà Nội một lần nữa. Một chiếc B52 khác bị thương nặng vì tên lửa SAM khi đang ngoặt ra khỏi mục tiêu và rơi ở Thái Lan sau khi tổ lái đã nhảy dù. 5 giờ sau, đợt thứ 3 bay vào, thêm một B52 bị bắn rơi...
Những điểm yếu nghiêm trọng trong việc vạch kế hoạch thực hiện, bộc lộ trong những cuộc oanh tạc ngày thứ nhất đã trở nên rõ nét một cách bi thảm trong những ngày sau. Các chiến thuật áp dụng trong chiến dịch ném bom mang tên Arefight (Đèn hồ quang) ở miền Nam Việt Nam không thích hợp với khu vực Hà Nội, nơi có hỏa lực phòng không mạnh. 5 phi vụ tiến hành hồi tháng 4, đặc biệt là trận oanh tạc Hải Phòng đã dẫn các nhà vạch kế hoạch Mỹ tới những nhận định sai lầm.
Ba đợt, mỗi đêm gây khó khăn cho việc rải sợi nhiễu, hay trấn áp tên lửa đất đối không, đồng thời giúp cho hệ thống phòng không đối phương (Hà Nội - NV) có thời gian hồi phục và chuẩn bị đối phó với đợt tiến công mới.
Gió thổi mạnh giúp cho các máy bay ném bom bay nhanh tới mục tiêu, nhưng đồng thời cũng thổi bạt sợi nhiễu khiến cho các máy bay B52 phải dựa vào thiết bị gây nhiễu của chính mình để tránh bị ra-đa phát hiện.
Hơn nữa, khi ra khỏi mục tiêu, các máy bay B52 phải ngoặt trở lại bay ngược chiều gió mạnh 100 hải lý nên tốc độ rút lui chậm lại quá nhiều, và hướng gây nhiễu bị chệch, khiến cho ra-đa của các trận địa tên lửa SAM lân cận có thể lọt qua những chỗ yếu trong màn nhiễu.
Thêm nữa, đội hình máy bay ném bom quá dài và việc quy định một điểm ngoặt độc nhất cho các máy bay khi ra khỏi mục tiêu đã giúp cho đối phương nhằm đúng điểm ngoặt sau khi những tốp đầu bay qua".
Đại úy phi công Drenkowski ngao ngán bình luận: "Những thay đổi về chiến thuật sau Noel không phải để đáp ứng đề nghị của phi công... mà vì 3 viên tướng chịu trách nhiệm về chiến dịch này ngồi ở Mỹ chợt nhận ra rằng nếu tốc độ rơi máy bay cứ diễn ra như hiện tại thì chỉ trong 2 tuần nữa sẽ không còn chiếc B52 nào ở Đông Nam Á" ("Tấn bi kịch của Linebacker 2", tạp chí Armed Forces Journal, tháng 7/1997).
Theo Trường Minh
Vietnamnet