1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Chấm điểm” Bộ trưởng trong phiên chất vấn chốt nhiệm kỳ

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội chia sẻ khó khăn muôn thuở của tư lệnh lĩnh vực nông nghiệp, công thương. Băn khoăn không nhỏ dành cho Bộ trưởng Nội vụ khi chuyện “đẻ” thêm các loại “hàm” nói mãi vẫn vậy. Đại biểu hào hứng ủng hộ những “can thiệp” của Chủ tịch Quốc hội khi Bộ trưởng "câu giờ"…

 

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên chất vấn sau cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên chất vấn sau cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.

Rất nhiều đánh giá được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi phiên chất vấn đánh giá toàn bộ nhiệm kỳ lần đầu được tổ chức tại nghị trường đã qua được hơn nửa thời lượng.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII này, việc đổi mới hình thức chất vấn và trả lời chất vấn vì vậy tổ chức theo hướng đánh giá công tác cả nhiệm kỳ là đúng nhưng đáng ra không phải là thảo luận nữa mà tập trung xem xét hướng giải quyết, xử lý vấn đề vẫn còn tồn tại và chất vấn để xem những việc gì đã làm được, việc gì chưa làm được. Những việc chưa làm được thì phải “truy” để làm rõ. Thực hiện như vậy, theo ông Lợi mới đúng với hình thức thể hiện của hoạt động chất vấn.

Khái quát chung phần trả lời của các Bộ trưởng khi phiên chất vấn đi được nửa chặng đường, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhận xét, trong nhiệm kỳ này, lĩnh vực điều hành khó khăn nhất vẫn là nông nghiệp và công thương - 2 ngành còn “ngổn ngang”, gây bức xúc trong xã hội.

Nông nghiệp, nông thôn, theo ông Lợi, là vấn đề muôn thuở. Trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, đang trong quá trình hội nhập, việc quản lý nông nghiệp, nông thôn và các sản phẩm nông nghiệp không thể đơn thuần như các ngành nghề khác.

Chia sẻ với Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng song ông Lợi cũng xác nhận, bất kỳ tư lệnh ngành nào cũng sẽ vấp phải những khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay mà sự tập trung, quyết liệt chỉ đạo của 2 vị đứng đầu những bộ đa ngành lớn như vậy vẫn mới “chỉ ở mức độ nhất định”.

Trong các phần trả lời, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng thẳng thắn nhận xét: “Chánh án TAND tối cao giải đáp khá rõ các vấn đề. Bộ trưởng GD-ĐT  thì hơi lúng túng. Cần nhìn nhận là vấn đề người dân bức xúc thì không nên bỏ qua, chứ không nên chỉ căn cứ vào hội đồng khoa học. Nguồn gốc một đất nước mà học sinh không học sử thì học cái gì. “Dân ta phải biết sử ta” – Bác Hồ đã nói thế rồi”.

“Sòng phẳng” đánh giá cả trách nhiệm của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có vấn đề giám sát đã tìm ra nhưng không đeo bám, không thường xuyên, không nên để  tồn tại từ kỳ họp thứ nhất cho đến tận kỳ họp cuối cùng. Đáng ra, Quốc hội phải bám sát phải đôn đốc. Nếu cả hai bên vào cuộc thì sẽ tốt hơn.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) ghi nhận việc truy vấn đến cùng những vấn đề còn tồn tại ở một số lĩnh vực qua phiên chất vấn. Thậm chí, có những lĩnh vực mà người đứng đầu ngành đã phải trả lời nhiều lần, nhiều câu hỏi nhưng đại biểu vẫn tiếp tục nhận định là từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ tình hình vẫn thế, tức là những bức xúc, tồn tại của ngành đó dường như không có chuyển biến gì nhiều.

Vị Bộ trưởng nhận “điểm cao” trong phiên chất vấn, theo ông Tâm, là Bộ trưởng GTVT. Nhận không nhiều chất vấn của đại biểu nhưng đều là những câu hỏi “gai”, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời rõ ràng, thuyết phục, cặn kẽ đến từng con số. Điều đó cũng phù hợp với đánh giá chung của nhiều đại biểu, giao thông vận tải là một lĩnh vực có nhiều chuyển biến rõ nét trong nhiệm kỳ này. Năng lực quản lý, điều hành, kết quả công việc của vị tư lệnh ngành, qua đó cũng được khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dành nhiều nhận xét cho phần “trả bài” tại chỗ của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ông Thuyền phân tích, ở địa phương có hiện tượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Chế độ với cán bộ, trước đây có thể giải quyết theo chính sách chứ không đẻ thêm chức danh “hàm”. Hiện tại, quy định đã rõ ràng, mỗi đơn vị có bao nhiêu phó, bao nhiêu trưởng cũng đã rõ mà thực tế vẫn thế.

“Vấn đề này Bộ trưởng Bộ Nội vụ nên nhận trách nhiệm về phía mình. Tôi không đồng tình câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ vì Bộ trưởng không trả lời thẳng vào vấn đề” – ông Thuyền nói.


Không giữ vị trí điều hành phiên chất vấn nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn được đại biểu ủng hộ về những can thiệp kịp thời khi Bộ trưởng câu giờ.

Không giữ vị trí điều hành phiên chất vấn nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn được đại biểu ủng hộ về những can thiệp kịp thời khi Bộ trưởng "câu giờ".

Bên cạnh việc đánh giá những người trả lời chất vấn, các đại biểu cũng “chấm điểm” phương thức chất vấn, cách thức điều hành phiên chất vấn chốt nhiệm kỳ này.

Nhìn tổng thể,  Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận xét, nhiều đại biểu đặt câu hỏi súc tích thẳng thắn có tầm vĩ mô nhưng cũng có nhiều đại biểu hỏi việc rất sự vụ, một đại biểu hỏi rất nhiều bộ trưởng cùng lúc.

Như vậy, muốn hay không thì cũng vẫn bị phân tán, người trả lời cũng chưa được tập trung do thời gian. Trong những cuộc như thế này cần phân công người điều hành sắc sảo của chất vấn, dành thời gian nhiều cho đại biểu Quốc hội thì sẽ tốt hơn, ông Vinh thể hiện quan điểm.

Hoạt động chất vấn chỉ thực sự sôi nổi khi có sự “can thiệp” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dù ông không ngồi trên ghế chủ toạ điều hành phiên chất vấn.

Đại biểu Trương Thị Huệ - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhận xét, Chủ tịch can thiệp là cần thiết. Khi Bộ trưởng “câu giờ” thì cần phải can thiệp vì như quy định cũng đã rõ ràng là người trả lời chất vấn phải đi vào trọng tâm. Thậm chí đại biểu hỏi dài, không đúng quy định thì chủ toạ cũng có điều chỉnh, sự điều chỉnh từ 2 phía là cần thiết.

Cũng cho rằng việc lên tiếng đề nghị bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm là rất cần thiết, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Chủ tịch Quốc hội đã can thiệp đúng thời điểm. Và việc này, theo ông Lợi thì Chủ tịch dễ thực hiện hơn các Phó Chủ tịch, cho dù ông không ở vị trí điều hành.

Từng băn khoăn khi ngay ở kỳ chất vấn đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đã ngắt lời đại biểu hơi nhiều khi đại biểu hỏi dài, song đến phiên chất vấn này, một số vị cho rằng thời gian quá hạn hẹp trong khi nội dung chất vấn không giới hạn nên rất cần người điều hành “cứng rắn”.

P.Thảo