1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Câu trộm cá tại Hồ Tây là câu chuyện tương đối nan giải”

(Dân trí) - “Câu cá trộm tại Hồ Tây là câu chuyện tương đối nan giải, nhưng không thể để họ câu cá công khai và gây phản cảm như vừa qua được” - ông Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội), Trưởng Ban Quản lý Hồ Tây nhấn mạnh.

Rất nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý Hồ Tây đã được Chủ tịch UBND quận Tây Hồ trao đổi với báo chí chiều 6/12.

Ông Nguyễn Phúc Quang cho biết, sau khi Hồ Tây được giao cho Ban Quản lý Hồ Tây quản lý, có thời kỳ việc câu cá trộm tại Hồ Tây tăng lên. Tuy nhiên, từ một tháng trở lại đây, công an các phường, UBND các phường cùng Ban Quản lý Hồ Tây đã dùng nhiều biện pháp xua đuổi, thậm chí xử phạt hành chính một số đối tượng câu trộm cá. Cho đến thời điểm này, hiện tượng câu trộm cá đã giảm tới 80%, nhưng 20% còn lại có tính mưu sinh của các hộ gia đình quanh hồ.

“Câu cá trộm tại Hồ Tây là câu chuyện tương đối nan giải, nhưng không thể để họ câu cá công khai và gây phản cảm như vừa qua được. Đây là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi đã nhận với Thành uỷ, UBND TP về việc chỉ đạo các phường, công an các phường thường xuyên có bộ phận đi đôn đốc kiểm tra, phát hiện”, ông Quang nói.

Đề cập rõ hơn khó khăn của vấn đề chống đánh bắt trộm cá Hồ Tây, ông Quang cho biết, trước đây từng có việc nhân viên của Cty khai thác cá Hồ Tây khi đi xuồng xua đuổi những người thả lưới đã bị ném đá đến tử vong. Mới đây, Ban Quản lý Hồ Tây đã ký hợp đồng với một Cty bảo vệ để trông giữ hồ với số tiền 200 triệu trong ba tháng, nhưng Cty này cũng không đảm đương được, thậm chí nhân viên Cty còn bị người câu đánh lại.
 
“Câu trộm cá tại Hồ Tây là câu chuyện tương đối nan giải” - 1
Hàng ngày có rất nhiều "cần thủ" hoạt động tại Hồ Tây (Ảnh: TTVH)

Chuyển sang hiện tượng bày bán hàng tại con đường dạo quanh Hồ Tây (mới hoàn thành) vừa gây mất mỹ quan vừa có thể xả rác xuống hồ, ông Quang cho rằng, có những hộ gia đình tại Thuỵ Khê, Bưởi hoàn toàn sinh sống bằng gánh hàng, trải chiếu ven hồ, nếu lực lượng chức năng thu triệt để, ngày hôm sau con cái của các gia đình này có thể không có tiền đi học hoặc ốm đau không có tiền đi viện.

“Tôi nói ý này không phải để cho họ tiếp tục mà cũng phải đưa họ vào quy trình để đảm bảo đường thông, hè thoáng ở quanh Hồ Tây. Chúng tôi đã có kế hoạch từ cách đây 6 tháng, cùng các phường vận động kinh doanh ngay trong nhà, không kinh doanh dưới lòng đường, hai bên hè Hồ Tây và nay đang tiếp tục làm.”, ông Quang tiếp.

Về vấn đề ô nhiễm của Hồ Tây tại số 2, số 4 Thuỵ Khê, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, lỗi không thuộc về các nhà hàng nổi tại khu vực này. Theo đó, các nhà hàng này đều có thùng xử lý nước thải và được phòng môi trường của quận, công an thành phố kiểm tra liên tục.

Dẫu vậy, Ban Quản lý Hồ Tây cũng đã quyết định di dời toàn bộ 6 đơn vị kinh doanh tại khu vực số 2, số 4 Thuỵ Khê đến khu vực Nhật Tân, gần công viên nước Hồ Tây. Tại khu vực này sẽ làm thành một khu du lịch đẹp và hiện đã thiết kế xong một cầu cảng.

Còn “thủ phạm” gây ô nhiễm khu vực số 2, số 4 Thuỵ Khê là một cống lớn dẫn nước thải từ quận Ba Đình xả ra Hồ Tây tại vị trí này. Để xử lý, Ban Quản lý đã đề xuất và được thành phố chấp thuận cho nạo vét thí điểm khu vực đường Thanh Niên từ chùa Trấn Quốc đến khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng mở rộng, tức gần trường Chu Văn An.

Riêng vấn đề xử lý nước trước khi xả ra hồ, ông Quang cho biết, trong dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây có một nhà máy đảm đương việc này. Vừa qua thành phố đã giao cho một công ty xây dựng nhà máy xử lý nước thải và dự kiến năm 2011 sẽ khởi công.

“Xây xong nhà máy này mới chống được ô nhiễm, chống đổ chất thải, chất bẩn xuống Hồ Tây”, ông Quang nhấn mạnh.

Kim Tân