1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Câu hỏi “đầu tiên” lại làm “tắc” dự án cao tốc Bắc - Nam (!)

(Dân trí) - Dù đã sơ tuyển 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam theo phương thức BOT, Bộ Giao thông vận tải vẫn phải xin chuyển phương thức đầu tư vì không giải quyết được nguồn vốn vay cho dự án…

Chuẩn bị tài liệu cho UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp thứ 45 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc-Nam phía Đông, UB Kinh tế của Quốc hội nêu nhiều vấn đề thực tế “đau đầu, khó gỡ” của dự án.

Câu hỏi “đầu tiên” lại làm “tắc” dự án cao tốc Bắc - Nam (!) - 1
Chính phủ muốn trình đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh phương thức đầu tư 8 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam từ mô hình làm BOT sang đầu tư công.

Huy động “tiền đâu” cho 8 dự án?

Thông tin mới nhất về chủ trương chuyển đổi phương thức đầu tư dự án, ít ngày trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 41 thống nhất chủ trương chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc-Nam từ phương thức kêu gọi đầu tư BOT sang đầu tư công.

Trước đó, chủ trương đầu tư 8 dự án này đã được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết 52.

Thông tin về tiến độ thực tế triển khai Nghị quyết 52 này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải  cho biết, đã sơ tuyển xong 8 dự án, cơ bản là có các nhà đầu tư đăng ký. Bộ này hi vọng có các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia.

Bộ Giao thông cũng đã triển khai tất cả các thiết kế kỹ thuật, duyệt các kỹ thuật, dự toán của đối tác công tư, hồ sơ thầu cũng đang xúc tiến các bước.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng chuẩn bị những nội dung liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội (dự kiến là tại kỳ họp thứ 9, sẽ bắt đầu từ 20/5/2020). Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua đề xuất điều chỉnh này, Bộ Giao thông đã tính tới việc rà soát lại thiết kế kỹ thuật công trình, vì mỗi hình thức đầu tư có tính toán khác nhau.

Trong khi chờ Quốc hội bấm nút, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án vẫn triển khai song song theo hai hình thức, cả đầu tư công và đối tác công - tư (PPP).

Giải trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam này, Bộ Giao thông vận tải kêu khó về nguồn vốn vay trong nước.

Thực tế, ngay từ năm 2017, trong giai đoạn báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ đã nhận định “khả năng huy động nguồn vốn từ cá tổ chức tín dụng trong nước khó khăn”.

Để giải quyết, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp để đảm bảo nguồn cung tín dụng cho dự án.

Dù đã có những biện pháp điều hành đó, Bộ Giao thông vẫn buộc phải xác nhận, Ngân hàng Nhà nước ngày 17/2/2020 nêu vướng mắc, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài... trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Ngân hàng nhà nước cũng giải thích, để đảm bảo ổn định về chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng đã quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, phải tuân thủ.

Ngoài ra, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông chưa được xử lý dứt điểm và các ngân hàng thương mại nhà nước chưa được kịp thời tăng vốn. Theo đó, Ngân hàng nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng khó có khả năng xem xét, tài trợ đối với các dự án mới.

Với những thông tin này, Bộ Giao thông vận tải không “gỡ bỏ” được nhữnglo lắng về nguồn vốn cho 8 dự án.

“Từ thực tế thực tế triển khai một số dự án BOT giao thông trong thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (đặc biệt là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư là rất khó khăn” – báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi UB Kinh tế của Quốc hội viết.

Nhiều dẫn chứng được đưa ra, ngay cả những dự án có nhu cầu vận tải lớn khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Và thực tế, trái với mong chờ của Bộ Giao thông, về năng lực nhà đầu tư trong nước, qua sơ tuyển các dự án cho thấy, các doanh nghiệp có thế mạnh về tài chính chưa quan tâm. Trong khi các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam chủ yếu là các nhà thầu, năng lực thi công tốt nhưng năng lực tài chính không phải là thế mạnh, Bộ này dự báo, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư sẽ khó khăn.

Rủi ro tiến độ khi làm BOT

Tiến độ triển khai dự án cũng khiến Bộ lo lắng. Theo báo cáo, đối với 7 dự án thành phần có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu. Trường hợp đấu thầu thành công, dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020, đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020, bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.

Để đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ quy định: nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án. Khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.

Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai được ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng, Bộ Giao thông vận tải phải huỷ hợp đồng và Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong báo cáo mới gửi đến UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần nhanh chóng giải quyết những ách tắc trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt, nhằm giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có đường cao tốc Bắc-Nam…

Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm