1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Cắt" 100.000 biên chế: Đánh giá sai có thể mất người làm được việc!

(Dân trí) - “Đây là vấn đề liên quan đến sự nghiệp của con người nên phải hết sức thận trọng. Nếu vận dụng cách đánh giá thiếu khách quan có khi lại tinh giản đúng vào người làm được việc, còn người đáng cho ra lại được ở lại!”, đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về dự thảo Nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân, ông Chu Sơn Hà Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, con số dự kiến 100.000 biên chế cần tinh giản trong 6 năm tới (2014 - 2020) chưa thể chính xác.
Ông Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Ông Chu Sơn Hà - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội.

Bộ Nội vụ dự kiến trong 6 năm tới sẽ tinh giản 100.000 biên chế. Vấn đề nhiều người quan tâm là liệu con số trên có khớp với số lượng 30% công chức “cắp ô” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trước đó. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, con số cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản 100.000 biên chế trong 6 năm tới chưa thật chuẩn xác và chỉ dự kiến thôi cũng có phần chủ quan. Phải tính toán trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng của từng cơ quan mới thấy tổng số biên chế chúng ta cần là bao nhiêu mới hoàn thành được khối lượng công việc hiện có. Từ đó mới ra con số cụ thể số lượng công chức cần tinh giản.

Dựa vào những đánh giá cụ thể con số cần tinh giản có khi không chỉ 100.000 biên chế mà nhiều hơn cũng nên. Nếu con số biên chế đã được xác định là đủ cho vận hành bộ máy rồi thì số lượng tinh giản đi dù có nhiều hơn nữa cũng không ảnh hưởng gì.

Thông tin tinh giản 100.000 biên chế khiến nhiều người lo ngại tiêu cực xảy ra khiến cán bộ làm tốt vẫn phải “về vườn”, còn những người thuộc diện “con ông, cháu cha” làm không được việc vẫn không ai “đụng” đến?

Cái khó ở đây là giảm ai, giảm vào thời điểm nào và có đúng đối tượng hay không. Và đây là vấn đề liên quan đến sự nghiệp một con người nên phải hết sức thận trọng. Nếu vận dụng cách đánh giá đúng, sẽ tinh giản biên chế đúng đối tượng. Ngược lại, nếu phương pháp không đúng, có khi lại tinh giản đúng vào người đang làm được việc, còn người đáng phải cho ra lại được ở lại. Bởi vì người làm được việc nhiều đi lại hay va chạm và mất lòng. Trong khi đó, người không làm được việc có khi lại được tín nhiệm vì không va chạm ai cả mà… vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

Thế nên, người đánh giá cán bộ có hoàn thành nhiệm vụ hay không, năng lực thế nào sẽ rất quan trọng. Do đó, phương pháp đánh giá phải hết sức khách quan, thực chất. Còn nếu áp dụng đánh giá như hiện nay thì nhiều khi vẫn chưa khách quan.

Theo ông phương pháp đánh giá để loại bỏ những “hạt sạn” ra khỏi bộ máy hành chính như thế nào để cho công bằng, khách quan với mọi đối tượng?

Theo tôi phải công khai, minh bạch, rõ từng tiêu chí, không cho phép ai áp đặt ý kiến cá nhân vào chuyện này. Để tinh giản được, phải xác định vị trí việc làm, trách nhiệm của vị trí công tác, công chức đó phải làm những việc gì. Tiếp đó, phải xác định chính xác chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Trên cơ sở đó, mới biết đích xác tổng biên chế cần bao nhiêu.

Không chỉ tinh giản biên chế trong cơ quan hành pháp mà cần làm đồng bộ. Phải tinh giản trong cả các cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp và đoàn thể chính trị - xã hội… tức là trong toàn bộ bộ máy chính trị. Đây là bài toán tổng thể, còn nếu chỉ tính toán trong một vài đơn vị là chưa đầy đủ.

Trong Nghị định lần này có nên đưa ra tiêu chí cụ thể cho vị trí lãnh đạo nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị tinh giản như những nhân viên bình thường không?

Lãnh đạo cũng chỉ là một vị trí việc làm. Nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng phải “thanh lý” như nhân viên bình thường. Ví dụ như một sở có 1 Giám đốc và 4 Phó Giám đốc phụ trách từng mảng việc, mỗi vị trí đã có đầu việc. Vậy khi anh không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì cũng phải tinh giản. Theo tôi không có chuyện phân biệt gì ở đây.

Nhiều ý kiến cho rằng trước đây đã có nhiều chính sách tinh giản biên chế được áp dụng, nhưng bộ máy hành chính vẫn cứ “phình” ra. Như việc thành lập mới một bộ, ngành hay như thành phố Hà Nội tách huyện Từ Liêm thành 2 quận thì mọi nỗ lực tinh giản đều đổ bể?

Không có chuyện Hà Nội lập 2 đơn vị mới thì nhận ào ạt vào mà phải xem xét sắp xếp lại để bố trí, điều động cán bộ cho phù hợp. Thành phố sẽ không để phình bộ máy, sau khi sắp xếp điều động vẫn còn thiếu thì mới bổ sung.

Xin cảm ơn ông!
 
Bộ Nội vụ vừa đề xuất, trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế trên cả nước (80% nghỉ hưu trước tuổi, 20% giải quyết thôi việc) với 8.000 tỷ đồng giải quyết chế độ. Theo bạn:
Nên thực hiện và có thể tinh giản nhiều hơn nữa
Không nên vì tốn tiền giải quyết chế độ và tăng áp lực cho quỹ lương hưu
Ý kiến khác
  

Quang Phong