1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

"Cắp sách đi học" 6 nước có đường sắt cao tốc, chốt phương án 350km/h

Ngọc Tân

(Dân trí) - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết trong 2 năm qua, Bộ GTVT đã tham khảo kỹ kinh nghiệm quốc tế trước khi chốt đề xuất đường sắt tốc độ cao 350km/h.

Chiều 1/10, Bộ GTVT có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hồ sơ báo cáo tiền khả thi của dự án sắp được trình lên Quốc hội. 

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy điểm lại công tác hoàn thiện báo cáo tiền khả thi và khẳng định Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đều thống nhất với phương án thiết kế đường sắt tốc độ cao 350km/h.

Cắp sách đi học 6 nước có đường sắt cao tốc, chốt phương án 350km/h - 1

Bộ GTVT thông tin cho báo chí về dự án đường sắt tốc độ cao (Ảnh: Ngọc Tân).

Trước đó, Tư vấn thẩm tra dự án đề xuất phương án thiết kế đường sắt 250km/h, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu, nghiên cứu kỹ hơn để hoàn thiện báo cáo tiền khả thi.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết trong 2 năm qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã cử đoàn công tác liên ngành đến 6 quốc gia có đường sắt tốc độ cao để học hỏi kinh nghiệm. Các nước này gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

"Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đi chuyến đầu tiên đến Nhật Bản. Tôi đi 2 đoàn đến Đức và Tây Ban Nha. Tôi đi với tâm thế của người chẳng biết gì, cắp sách đi học…", ông Huy chia sẻ.

Sau các chuyến đi thực tế kết hợp với tiếp thu ý kiến chuyên gia, đánh giá cẩn trọng và minh bạch, Bộ GTVT vẫn tái khẳng định phương án thiết kế đường sắt tốc độ cao 350km/h hiệu quả hơn 250km/h, dù chi phí đầu tư cao hơn.

Cắp sách đi học 6 nước có đường sắt cao tốc, chốt phương án 350km/h - 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chia sẻ về dự án đường sắt tốc độ cao (Ảnh: Ngọc Tân).

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nêu dẫn chứng 60 năm trước, Nhật bản đã đưa đường sắt tốc độ cao 250km vào khai thác. Sau đó, khoa học công nghệ phát triển, xu thế đã thay đổi, tốc độ 250km/h chỉ phù hợp cự ly ngắn. Với cự ly 800km/h trở lên, đa số nước đều lựa chọn tốc độ 350km/h.

Về ý kiến cho rằng cần tận dụng tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở hàng hóa, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định ngành hàng hải, đường thủy và đường sắt cũ sẽ đảm đương việc chở hàng. Đường sắt tốc độ cao ưu tiên chở khách và hàng hóa nhẹ, bưu kiện.

Dẫn chứng về tính ưu việt của đường thủy trong vận tải hàng hóa, ông Huy cho biết Trung Quốc từng định xây đường sắt chở hàng từ khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) nối ra vịnh Bắc Bộ.

Sau đó, họ quyết định đào kênh Bình Lục với chi phí đắt hơn rất nhiều để vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Đổi lại, chi phí vận tải thủy rẻ hơn rất nhiều.

Tuy ưu tiên vận tải hành khách, phương án đề xuất của Bộ GTVT cũng đã có cập nhật khi xác định tuyến tàu tốc độ cao có thể lưỡng dụng vận tải hàng hóa khi cần thiết và chuyên chở khí tài quốc phòng an ninh.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhận định trong trường hợp báo cáo tiền khả thi theo đề xuất của Bộ GTVT được thông qua,  việc triển khai thực hiện sẽ không phải là "bức tranh màu hồng".

Áp lực triển khai thực hiện sẽ rất lớn vì dự án có quy mô lớn, tiến độ rất gấp. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tư vấn quốc tế cũng sẽ tham gia.

Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn lực cho đường sắt tốc độ cao trong những năm tới chắc chắn có tác động đến nguồn vốn đầu tư cho các ngành khác.

"Nhưng đây là cú hích cho cả nền kinh tế, những dự án nào đầu tư không hiệu quả thì phải ưu tiên nguồn lực cho dự án này", ông Huy khẳng định.

Về việc bố trí vốn cho dự án, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Chính phủ sẽ có phương án vay vốn thông qua trái phiếu hoặc vay nước ngoài. Trường hợp vay nước ngoài sẽ phải cân nhắc phương án ít ràng buộc nhất, không bị ép sử dụng công nghệ của bên cho vay.

Hiện, Bộ GTVT và Tư vấn lập báo cáo tiền khả thi sẽ còn phải tiếp tục làm việc với đơn vị Tư vấn thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án. Việc này phải tiến hành khẩn trương để Chính phủ trình dự án ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 (tháng 10).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm