1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Cấp dưới tham nhũng phải xử lý cả cấp trên

(Dân trí) - Sáng nay 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận Luật phòng, chống tham nhũng. Các vấn đề được đại biểu quan tâm và bàn nhiều nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, công khai minh bạch trong công việc và tài sản… Uỷ ban phòng chống tham nhũng do cơ quan nào phụ trách cũng được các đại biểu” mổ xẻ” chi tiết.

Muốn thực sự có hiệu quả trong phòng chống tham nhũng và xử lý tham nhũng cần đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hầu hết ý kiến của đại biểu sáng nay đều tập trung phân tích vai trò của người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đại biểu Hoàng Văn Xim, Hà Tây cho rằng, xử lý tham nhũng rất khó vì người tham nhũng là người có chức, có quyền. Việc phòng là cần thiết  nhưng chúng ta phải xử lý nghiêm khắc, có như vậy mới có tính răn đe.

 

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đặng Văn Xướng, Long An khẳng định thời gian qua, hiệu quả chống tham nhũng kém vì chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. “Chúng ta mới chỉ đề cập trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, nhưng chưa đề cập trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên. Khi xảy ra tham nhũng, phải xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên”. Đại biểu Xướng tiếp tục đặt câu hỏi: “Tham nhũng tràn lan, không trị được, ngày càng phát triển thì trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ như thế nào?”.

 

Ngay cả việc qui định về trách nhiệm của người đứng đầu trong dự thảo cũng còn chung chung. Đại biểu Huỳnh Văn Tí, Bình Thuận cho rằng, trong luật chưa qui định rõ khi nào người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, khi nào chịu trách nhiệm gián tiếp, “chưa thấy qui định cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp”, đại biểu Tí thắc mắc.

 

Kiên quyết, minh bạch - nhân tố quyết định

 

Vấn đề thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu băn khoăn về việc chỉ đạo, tổ chức của Ban này. Đại biểu Lâm Văn Kỷ, tỉnh Sóc Trăng góp ý, Ban chỉ đạo nên trực tiếp do Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và thành lập một Uỷ ban tư pháp của Quốc hội để giám sát việc chống tham nhũng. “Việc thành lập Ban này không quá rườm rà, mà hiệu quả lại cao. Nếu Đảng, Chính phủ quyết tâm và các cơ quan chính quyền quyết tâm thì chắc chắn chúng ta thực hiện được mục tiêu chống tham nhũng”,  đại biểu Kỷ khẳng định.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Hường nghi ngờ tính hiệu quả của Uỷ ban này nếu để nó chịu sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Thủ tướng đã quá nhiều việc, nếu lại để UB này thuộc Chính phủ thì vấn đề “phòng” thì được chứ “chống” thì rất khó”. Đại biểu Hường đề nghị thành lập một Uỷ ban độc lập, không dính đến quản lý, điều hành.

 

Công khai minh bạch về tài chính là giải pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Trần Huỳnh Mến, Đồng Tháp yêu cầu bổ xung vào luật qui định “Khi phê chuẩn ngân sách bổ xung, phải công khai, minh bạch”. Ngay cả minh bạch trong tài sản của cán bộ, công chức cũng cần phải thực hiện nghiêm túc. Đại biểu Mến đề nghị phần đối tượng phải kê khai tài sản bổ xung thêm qui định: con đã thành niên có mối liên hệ tài chính với gia đình cũng phải kê khai.

 

Đại biểu Hà Đức Lệnh, Bắc Kạn băn khoăn, việc kê khai tài sản còn nhiều kẽ hở, có người mua tới vài lô đất, trị giá đến vài tỉ, nhưng lại không mang tên ông ta, vợ, hay con mà mang tên một người khác. Nhìn bề ngoài có vẻ “sạch” nhưng thực tế lại rất “bẩn”, ông Lệnh chua xót.

 

Mặc dù đồng tình với quan điểm thành lập Uỷ ban phòng, chống tham nhũng, nhưng đại biểu Huỳnh Văn Tí, Bình Thuận cho rằng, hiện chúng ta không thiếu về tổ chức, mà cái thiếu nhất là công khai, minh bạch, kiên quyết trong xử lý tham nhũng.

 

Góp ý với các kiến nghị của đại biểu về việc Uỷ ban phòng chống tham nhũng nên để cơ quan nào phụ trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị, để chọn phương án chuẩn  khi góp ý vấn đề này, các đại biểu phải có lý lẽ. Ví dụ, nếu Ủy ban này trực thuộc Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội đứng đầu thì ai giám sát?. “Ngồi ôtô, xe máy cũng vậy, phải có tay ga, chân phanh. Chúng ta có hành pháp, tư pháp… chúng ta phải phân định rõ trách nhiệm, không nhầm lẫn chức năng”.

 

Việc có ý kiến đại biểu lo lắng khi Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Ủy ban chống tham nhũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định: “Thổi còi thì đã có Quốc hội giám sát rồi”.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh